GS Hà Mạnh Quân đã dịch nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Anh, phát hành ở thị trường Mỹ như: các truyện ngắn của một số nhà văn nữ Việt Nam và gần đây là tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Những năm gần đây, GS Hà Mạnh Quân có nhiều trăn trở trong việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài để định vị văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới.
Tọa đàm “Dị hóa và đồng hóa trong dịch thuật từ văn học Việt Nam sang Anh ngữ” được tổ chức nhân dịp GS Hà Mạnh Quân về Việt Nam công tác. Đây là dịp để sinh viên, giảng viên và những người quan tâm đến văn học dịch và việc dịch văn học, cùng trao đổi về lý thuyết dịch văn học cũng như kinh nghiệm dịch thuật.
GS Hà Mạnh Quân chia sẻ nhiều thông tin hữu ích và thú vị xoay quanh một số chủ đề như: Vị thế hiện tại của văn học Việt Nam tại Mỹ; Làm thế nào để cân bằng quan điểm dị hóa và đồng hóa khi dịch văn học Việt Nam; Học thuyết hậu thuộc địa có ảnh hưởng gì đến việc dịch văn học Việt Nam; Những điều cần lưu ý khi chọn tác phẩm để dịch và sự điều chỉnh những quan điểm quá bảo thủ về dịch văn học…
Theo chia sẻ của GS, từ năm 1975 đến nay, số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Anh còn khiêm tốn. Ngoài Truyện Kiều, còn có các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng (Lục xì, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây), thơ Hồ Xuân Hương. Sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern, việc dịch càng hạn chế do vướng mắc về bản quyền. Năm 2018, thống kê có khoảng 700 tác phẩm được dịch tại Mỹ, nhưng hơn một nửa là đến từ Tây Âu, còn lại là các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, số lượng tác phẩm văn học của Việt Nam rất ít.
Theo GS Hà Mạnh Quân, khái niệm đồng hóa trong dịch thuật được hiểu là thao tác cắt bỏ, phá vỡ cấu trúc của tác phẩm gốc để có thể tiếp cận độc giả quốc tế một cách dễ dàng. Và khi xóa một cái gì đó, không còn giữ tính nguyên vẹn của tác phẩm, thì đó là bạo lực. Khi đó, trách nhiệm của người dịch không chỉ dịch không thôi mà còn phải có nhiệm vụ hiệu đính, điều chỉnh ở mức vừa phải để độc giả có thể tiếp thu tác phẩm thuận tiện.
Ngược lại, dị hóa là tìm cách giữ lại bản sắc. GS Hà Mạnh Quân lấy dẫn chứng từ trường hợp của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, là người đầu tiên đấu tranh với các NXB nước ngoài để giữ nguyên dấu các tên riêng trong tác phẩm văn học Việt Nam. Ngoài ra, tác giả còn lồng ghép ca dao, tục ngữ Việt Nam vào trong tác phẩm kèm theo giải nghĩa phía sau.
“Đó chính là dị hóa, là cách để chúng ta giữ lại tinh thần văn hóa của chúng ta. Các dịch giả cần phải giữ lại điều này, bởi đây chính là bảo tồn văn hóa. Khi chúng ta dị hóa, chúng ta thực sự đưa văn hóa của đất nước mình đến đất nước khác. Điều này còn có ý nghĩa truyền cảm hứng đến cho thế hệ dịch giả sau này”, GS Hà Mạnh Quân chia sẻ.