Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu…
Đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” cần rà soát kỹ, tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “dự án, gói thầu cấp bách... ”, đề nghị Chính phủ làm rõ khái niệm cấp bách và gắn với thời gian cụ thể cần phải triển khai để tránh việc áp dụng tùy tiện, thất thoát vốn nhà nước.
Dự thảo quy định chỉ định thầu đối với “gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng Chính phủ cần đánh giá sâu, rộng về quy định này để có quy định chặt chẽ vì nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn tới các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước thì chỉ định thầu, chỉ những dự án nhỏ lẻ, vốn ít thì bắt buộc đấu thầu như vậy sẽ không bảo đảm mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Đấu thầu.
Trong khi các dự án quan trọng quốc gia có thời gian, kinh phí và nhân lực thực thi sẽ là những chuyên gia đầu ngành và quốc tế, việc chuẩn bị dự án phải bảo đảm kỹ lưỡng và theo tầm nhìn dài hạn, điều này đòi hỏi việc thực hiện phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đấu thầu vì mục tiêu bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Với công trình lớn cần chuẩn bị dự án từ sớm (nhiệm kỳ này chuẩn bị để triển khai thực hiện dự án trong nhiệm kỳ sau), tránh việc phê duyệt gấp gáp và đặt ra yêu cầu chỉ định thầu. Thực tế thời gian vừa qua Quốc hội chỉ cho phép chỉ định thầu đối với dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là tình huống cấp bách trong bối cảnh ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Theo đó, ủy ban đề nghị quy định thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu”.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, ủy ban đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chính phủ cần làm rõ quy định “mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”. Dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá, giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định và quy định rõ nguyên tắc đàm phán giá, bổ sung hành vi nghiêm cấm trong đàm phán giá, trách nhiệm của các chủ thể liên quan thực hiện đàm phán giá, quy trình đàm phán giá vào dự thảo luật…