
Đúng 8 giờ 30 sáng 2-9, Quốc ca Việt Nam vang lên hào hùng trong hội trường Huyện ủy huyện Cần Giờ, khai mạc buổi lễ của huyện biển kỷ niệm 60 năm CMT8 - Quốc khánh 2-9 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong bầu không khí thiêng liêng ấy, giai điệu nhạc khúc Hồn tử sĩ càng thêm da diết, dường như các anh hùng liệt sĩ –những người đã hy sinh xương máu để góp phần viết nên những trang vàng truyền thống cách mạng của vùng đất Rừng Sác Cần Giờ- cũng đang hiện diện quanh đây, cùng chung vui về danh hiệu cao quý mà Chủ tịch nước phong tặng cho quê hương mình.

Cần Giờ đang phát triền mạnh kinh doanh du lịch, thu hút đầu tư
Sau ngày giải phóng, huyện Cần Giờ đối mặt với trên 33.000 hecta rừng tự nhiên bị hủy diệt hoàn toàn bởi hơn 4 triệu lít chất độc hóa học khai hoang rải xuống trong chiến tranh; đối mặt với nạn đói, nạn dốt và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn lạc hậu. Toàn huyện chỉ có một tuyến đường bộ dài 13km nối liền hai xã Cần Thạnh – Long Hòa, điện chỉ có… theo giờ bằng máy phát diesel ở những cụm dân cư trung tâm các xã. Vượt qua những khó khăn đó, Đảng bộ huyện Cần Giờ đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Huyện đã có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, đặc biệt là chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Diện tích đất trồng lúa có năng suất thấp được chuyển sang nuôi tôm (đến nay, toàn huyện có 3.361 hộ trực tiếp thả nuôi tôm trên 4.965 ha), đồng thời khai thác 3.000 ha đất hoang, bãi bồi ven sông, ven biển để nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu…).
Qua đó, giá trị sản xuất thủy sản không ngừng tăng trưởng, từ 2,5 tỷ đồng ở năm 1978 đã tăng vọt lên gần 700 tỷ đồng vào cuối năm 2004 –tăng gấp 280 lần. Về lâm nghiệp, từ năm 1978, việc trồng lại rừng được tiến hành. Đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được hồi sinh và phát triển thành rừng phòng hộ quốc gia, được tổ chức UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đây không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn là đặc khu kinh tế của nhân dân huyện Cần Giờ. Cơ sở vật chất hạ tầng không ngừng phát triển, xây dựng mới đường bộ ở các xã, đường Rừng Sác, cầu Dần Xây… Năm 1990, lưới điện quốc gia được đưa về huyện, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 38,4% (năm 1988) xuống còn 2,2% (năm 2003); hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Bác Nguyễn Hồng Huỳnh, nông dân của ấp Thiềng Liềng xã Thạnh An- nơi mà phải qua 3 đò mới đến được- xúc động trong niềm vui huyện đón nhận danh hiệu cao quý “Huyện Anh hùng”. Bác nói: “Người dân chúng tôi có được cuộc sống sung túc, đầy đủ như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng và chính quyền với những chủ trương, chính sách đúng đắn đã lãnh đạo và hướng dẫn người dân làm giàu…”.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải nhắc lại cảm xúc khi đến Cần Giờ ở thời điểm 30 năm trước. Cả một vùng Rừng Sác hoang hóa, bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hóa học. Cần Giờ khi ấy bị biến thành vành đai trắng, không một loài sinh vật, cây cỏ nào sống được. Với sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt của Trung ương, thành phố, huyện Cần Giờ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn, từng bước xây dựng lại những mầm xanh đầu tiên của cuộc sống, liên tục giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chủ tịch Lê Thanh Hải nhấn mạnh: huyện Cần Giờ cần có những giải pháp tích cực để phát triển nhanh, ngang bằng với các huyện ngoại thành của thành phố, với tiềm năng kinh tế biển, môi trường sinh thái đặc sắc của địa phương. Chủ tịch khẳng định: “Thành phố luôn theo dõi và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để huyện Cần Giờ vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vươn lên trong thời gian tới”.
PHONG LAN- HÀN NI