Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 cần 157.533 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng).
Theo quy hoạch mới, cả nước sẽ có 9 hành lang vận tải thủy với 55 tuyến vận tải chính, tổng chiều dài 7.300km.
Khu vực miền Nam chiếm ưu thế với 26 tuyến chính, tổng chiều dài khoảng 3.043km. Trong đó, có 11 tuyến và đoạn tuyến được quy hoạch cấp đặc biệt, gồm: tuyến cửa Tiểu - biên giới Campuchia (sông Tiền); tuyến cửa Định An - biên giới Campuchia (sông Hậu); tuyến TPHCM - Cà Mau với các đoạn nằm trên các tuyến vận tải khác (Vàm Cỏ, Cổ Chiên, Hàm Luông, sông Hậu); tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ đoạn từ Vũng Tàu đến Thị Vải; tuyến TPHCM - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai) đoạn từ ngã ba Kênh Tẻ đến hạ lưu cầu Đồng Nai; tuyến sông Hàm Luông đoạn từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; tuyến sông Cổ Chiên từ cửa Cổ Chiên đến ngã ba sông Tiền; tuyến cửa Trần Đề đến rạch Đại Ngãi; tuyến qua cửa Cái Mép; tuyến qua cửa Ngã Bảy; tuyến qua cửa Soài Rạp.
Hạ tầng đường thủy cả nước cũng sẽ được đầu tư hoàn thiện và xây mới 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất 361 triệu tấn/năm; trong đó miền Nam sẽ có 21 cụm cảng, công suất 153 triệu tấn/năm. Bên cạnh nâng cấp hạ tầng hiện có, khu vực TPHCM sẽ xây dựng thêm cảng Củ Chi, công suất 1.200 tấn/năm.
Về cảng hành khách, cả nước sẽ có 39 cụm cảng, trong đó miền Bắc có 10 cụm cảng, công suất 10.900 hành khách/năm; miền Trung có 14 cụm cảng, công suất 2.500 hành khách/năm; miền Nam có 15 cụm cảng, công suất 40.000 hành khách/năm, lớn nhất là cụm cảng Cần Thơ - Hậu Giang đáp ứng 9.500 hành khách/năm, cụm cảng TPHCM đáp ứng 6.500 hành khách/năm.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ cố gắng cụ thể hóa 9 hành lang vận tải đường thủy nội địa. Trong đó, tuyến hành lang ven biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau là ưu tiên số 1 với vai trò chủ lực vận tải hàng hóa trên tuyến Bắc Nam, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, sẽ cân đối ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc các tuyến vận tải trọng yếu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đường thủy theo hướng tăng cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, phí. Thời gian tới, việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị và địa phương trong đầu tư, quản lý, khai thác đường thủy cũng sẽ được đẩy mạnh.