Trong đó, nổi lên 2 nội dung đáng chú ý là bỏ cộng điểm thi nghề đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh khi vào lớp 6.
Quy định bỏ cộng điểm thi nghề đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhận được sự tán đồng ở cả người trong ngành giáo dục và dư luận xã hội. Từ đầu, ngành giáo dục đã xác định mục đích thật sự của việc học và thi nghề là phục vụ công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS, giúp các em xác định được năng lực, sở thích để lựa chọn hướng đi phù hợp; việc cộng điểm vào kỳ tuyển sinh chỉ mang tính khuyến khích. Thế nhưng, so với việc có thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi olympic hay giải toán trên máy tính cầm tay…, thì việc học sinh có thể nhận tối đa 2 điểm cộng từ điểm học nghề xem ra có phần “dễ ăn” hơn.
Có lẽ vì thế mà khi chia sẻ với chúng tôi, cô L.T.T., giáo viên dạy môn Nữ công gia chánh, đã trưng ra hàng chục tin nhắn của học sinh với nội dung đại loại như: “Nếu không được cộng điểm khuyến khích nữa, em xin đổi môn nghề đã đăng ký hoặc không học nữa”, “Nếu không có điểm cộng, em muốn dừng học nghề để dành thời gian học các môn thi”…
Theo một chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), việc đề xuất bỏ quy định cộng điểm là hợp lý, để học nghề trở nên thực chất hơn và kỳ thi tuyển sinh đầu cấp trở thành cuộc đua công bằng cho tất cả thí sinh. Song, đáng tiếc là thông tin ấy được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm (khi chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019), lại chưa được cụ thể hóa mốc thời gian thực hiện, vô hình trung tạo tâm lý lo lắng không đáng có cho học sinh.
Tương tự như vậy là quy định cho phép các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký đầu vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu đăng ký được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Qua tìm hiểu, các trường đều cho biết đang “hồi hộp” chờ quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT cũng như các hướng dẫn thực hiện của sở, ngành để sớm lên phương án tuyển sinh cho năm học mới. Đó là còn chưa kể việc TPHCM nhiều năm qua thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo phân tuyến địa bàn cư trú. Với quy định mới, việc những học sinh không đáp ứng yêu cầu về kiểm tra năng lực nhưng có hộ khẩu thường trú đúng tuyến theo địa bàn cư trú sẽ được địa phương giải quyết như thế nào?
Thái độ trọng thị và lắng nghe về những dự kiến đổi mới của ngành giáo dục là đáng hoan nghênh. Nhưng trước tâm lý hoang mang lo lắng của hàng triệu phụ huynh và học sinh khi mùa tuyển sinh vào lớp 10 đang đến gần, thì ngành giáo dục cần có quyết định dứt khoát và rõ ràng.