Qua thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại thời điểm Chính phủ trình dự án luật thì chưa thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách triệt để. Do vậy, dự thảo luật chưa dự liệu được tác động của việc thực hiện chủ trương này.
Cụ thể là các vấn đề như tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong dự thảo luật (do sáp nhập); chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tác động đến cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi giảm đối tượng tham gia và tăng đối tượng thụ hưởng.
“Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp như khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy”, bà Thúy Anh bổ sung.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát, loại bỏ các quy định trùng lắp, tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định trong dự thảo luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành; đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan để bảo đảm sự đồng thuận cao khi luật được ban hành.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, bà Thúy Anh cho biết, dự thảo luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, dự thảo luật hiện đang quy định chung “người khuyết tật”, còn theo quy định của Luật Người khuyết tật, hiện có 3 mức độ khuyết tật (khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng). Báo cáo cũng chưa có số liệu thống kê chính xác về người lao động là người khuyết tật để có thể dự báo nguồn lực chính xác.
Dự thảo luật cũng quy định giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật, do đó, cần bổ sung đánh giá tác động đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp (hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm).
Phát biểu giải trình về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, dự thảo luật quy định theo hướng hỗ trợ, khuyến khích chủ sử dụng lao động sử dụng người lao động là người khuyết tật, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp những người khuyết tật tham gia thị trường lao động.
“Hiện nay, cả nước có 8 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,7 triệu người khuyết tật nặng, Nhà nước phải hỗ trợ hoàn toàn. Nếu UBTVQH thấy cần hỗ trợ cả người sử dụng lao động và người lao động thì chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, nhưng tôi cho là nên cân nhắc, tính toán cho phù hợp với thực tế và cũng chỉ nêu nguyên tắc trong luật. Quy định chi tiết quá thì với số đông như hiện nay sẽ khó thực hiện”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.