Cán bộ đông nhưng chưa mạnh
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là khâu then chốt trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cần đổi mới tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Việc này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Quá trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện đạt được những kết quả tích cực. Song, xét trên tiêu chí hiệu quả làm việc thực tế thì đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Số lượng cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, thái độ phục vụ chưa chuẩn mực…
Thạc sĩ Ụ Đon Xay Mun Ty, Phó Chủ tịch HĐND thủ đô Viêng Chăn, Hiệu trưởng Trường Chính trị - Hành chính Viêng Chăn, cũng đánh giá, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp Viêng Chăn đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, việc xây dựng cán bộ vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Số lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, có khả năng nghiên cứu khoa học và có thể sử dụng, ứng dụng kỹ thuật mới vẫn rất hạn chế.
Từ thực tiễn này, Thạc sĩ Viêng Phon Kẹo Khun Sỉ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị - Hành chính Viêng Chăn, bày tỏ: Điều quan trọng đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là “kiến thức - khả năng sáng tạo và bản chất đạo đức cách mạng”. Trong đó, việc đổi mới công tác cán bộ phải bắt đầu từ việc lập quy hoạch cán bộ và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; việc bố trí sắp xếp, quản lý, sử dụng cán bộ; việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, phân loại và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ. “Trong làn sóng mới của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, việc đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo - quản lý chủ chốt phải coi tiêu chuẩn sự am hiểu về đường lối, chính sách của Đảng, coi quan điểm lập trường chính trị và đạo đức nhân phẩm là ưu tiên. Phải coi kiến thức, khả năng đổi mới, sáng tạo, sự cố gắng nỗ lực và phong cách làm là quan trọng”, Thạc sĩ Viêng Phon Kẹo Khun Sỉ nêu quan điểm.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng phải xây dựng được một ý thức công vụ của từng cán bộ, công chức gắn với mục tiêu phát triển của địa phương và quốc gia. Cùng với đó là ứng dụng các công cụ công nghệ vào quá trình học và đào tạo để cán bộ, công chức phải thường xuyên cập nhật kỹ năng về công nghệ, và sử dụng vào việc tìm kiếm, học tập các tri thức mới.
Theo PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trước tiên cần khơi dậy khát vọng cống hiến, xả thân vì sự phát triển của đất nước, dân tộc ở đội ngũ cán bộ. TPHCM đang nỗ lực phát triển thành đô thị thông minh thì không thể không có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Trong cách mạng 4.0, cán bộ không chỉ nắm vững lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà phải có tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả, tiếp nhận và vận dụng trí tuệ sáng tạo của nhân loại vào phát triển đất nước. TS Vũ Thị Mai Oanh, Trưởng khoa Lý luận chính trị, Học viện Cán bộ TPHCM, bày tỏ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi chính quyền TPHCM phải có những quyết sách mang tính đột phá về nhân lực. Điều này không chỉ nhằm giải bài toán cho tăng trưởng và phát triển ở hiện tại mà còn cho tương lai.
Một số đại biểu khác cũng phân tích, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào đạo nhân lực cho hệ thống chính trị theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng cho người học. Cùng với đó là tăng cường các hình thức đào tạo thực địa, gắn với môi trường công sở, môi trường công vụ, trải nghiệm tại các cơ sở Đảng hoặc các cơ quan hành chính; đẩy mạnh các hình thức liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các cơ sở đào tạo ở quốc gia có nền hành chính hiện đại.