Xây dựng chính sách hợp lý
Tổng Giám đốc ILO cho rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ những bất bình đẳng sâu xa và nếu không có những thay đổi cấu trúc sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng sẽ gia tăng với những hậu quả khôn lường.
Ông Guy Ryder kêu gọi các chính phủ xây dựng khung chính sách hậu Covid-19 nhất quán với các nguyên tắc quốc tế về nhân quyền và đảm bảo các tiêu chuẩn an sinh xã hội. Theo ông Ryder, các chính sách tài khóa cần tạo nền tảng thu hút đầu tư cần thiết cho các hệ thống bảo trợ xã hội toàn dân. Hầu hết quốc gia đều đã huy động hệ thống bảo trợ xã hội riêng nhưng nhiều biện pháp được áp dụng chỉ mang tính tạm thời và thường không đủ để bù đắp sụt giảm thu nhập trong cuộc khủng hoảng kéo dài này.
Nhiều quốc gia đã triển khai các gói ngân sách quy mô lớn để ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt để hỗ trợ thu nhập và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ILO nhận thấy rằng các gói kích thích không được phân bổ đồng đều trên toàn thế giới, với 9/10 các biện pháp kích thích giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng tập trung ở các nước phát triển. Cộng đồng quốc tế cần tăng cường đoàn kết để thu hẹp khoảng cách về các biện pháp ứng phó tài chính với các nước mới nổi và đang phát triển, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả của các biện pháp kích thích.
Cải tiến hệ thống thanh toán xuyên biên giới
Thế giới vẫn đang nỗ lực để xua đi bóng đen từ cuộc khủng hoảng đại dịch đã khiến hơn 1,1 triệu người tử vong, làm đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. Trong dự báo mới nhất, IMF cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm nay, ít hơn dự báo giảm 5,2% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu trong dự báo mới nhất của IMF vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với thời kỳ trước dịch bệnh; đồng thời nhận định tác động thậm chí còn tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa. IMF nhấn mạnh, kể cả khi cuộc khủng hoảng trước mắt qua đi thì hầu hết nền kinh tế sẽ đều hứng chịu những tổn thất lâu dài về năng lực cung ứng.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang cân nhắc phát hành tiền điện tử, IMF cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để cải tiến các hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Trong một bài đăng trên trang mạng của IMF, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF Tobias Adrian cùng nhấn mạnh, các nước cần hợp tác trên 4 lĩnh vực lớn, gồm: cơ sở hạ tầng và khả năng tài chính; đảm bảo các giải pháp được ứng dụng rộng rãi; xây dựng các giải pháp dựa trên kinh nghiệm và quan điểm của tất cả các bên liên quan; nhận thức về việc chính sách của một nước có thể tác động đến tài chính vĩ mô của nước khác và việc sử dụng tiền điện tử có nguy cơ gây rủi ro đáng kể đối với lĩnh vực tài chính.
Ngân hàng trung ương các nước nhanh chóng thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, còn gọi là tiền điện tử cấp độ quốc gia (CBDC). Tại châu Á, Hàn Quốc thông báo triển khai chương trình thí điểm đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng trung ương phát hành. Đến tháng 5, Trung Quốc chính thức thử nghiệm đồng nhân dân tệ (CNY) điện tử ở 4 thành phố lớn, một số doanh nghiệp của quốc gia này cũng chấp nhận thanh toán sản phẩm, sử dụng dịch vụ của họ bằng đồng tiền này. Tại châu Âu, Pháp là quốc gia thử nghiệm thành công đồng EUR kỹ thuật số hoạt động trên nền tảng blockchain; Thụy Điển đang thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số e-krona. Tại Nam Mỹ và châu Phi, Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm là e-peso. |