Nội dung sáo mòn, hình thức không sinh động
Hiện nay, hình ảnh, khẩu hiệu trên các pa nô, tranh cổ động, băng rôn vẫn thể hiện theo cách rất cũ của thế kỷ trước. Đã là anh công nhân nhất định phải cầm búa, anh nông dân cầm liềm, chị nông dân tay ôm bó lúa, em nhỏ khoác cặp sách… Tranh cổ động về kế hoạch hóa gia đình, nhất định phải có ông bố và bà mẹ ôm 1 - 2 đứa con. Cứ thế, những hình ảnh thu nhỏ của một xã hội từ thế kỷ trước xuất hiện đều đặn trong các pa nô, tranh cổ động ở thế kỷ 21. Kèm theo đó là những câu khẩu hiệu đã quá công thức, sáo mòn, như: “Nhiệt liệt hưởng ứng…”, “Quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi…”. Vận động thực hiện việc gì thì cứ hồn nhiên nhắc đến việc đó kèm theo câu “…là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”.
Cùng với nội dung rất công thức, sáo mòn, hình thức tuyên truyền trực quan cũng không sinh động chút nào, không ứng dụng những thành tựu của công nghệ quảng cáo để có thể gây chú ý, gây ấn tượng và tạo sức thuyết phục. Có “hiện đại” chút đỉnh chỉ là in kỹ thuật số trên vải bạt. Treo ngoài mưa nắng, không ít tranh cổ động, panô, băng rôn tuyên truyền rách bươm nhưng vẫn bị bỏ quên trên đường phố, trở nên nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị.
Rõ ràng nếu cứ làm theo lối mòn, thiếu sáng tạo như vậy, sẽ chỉ khiến những thông điệp tuyên truyền trở nên nhàm chán, lỗi thời, không mang lại hiệu quả. Trên nhiều tuyến đường, mặc dù có pa nô, băng rôn tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh đô thị, yêu cầu không chiếm dụng lề đường, nhưng chẳng tạo được tác dụng, hiệu quả gì, ngay phía dưới pa nô, băng rôn, người ta vẫn thản nhiên che dù, che bạt buôn bán, để xe, đổ nước thải và xả rác tràn lan… Đó là chưa kể nhiều khi pa nô và băng rôn còn che khuất các biển báo tín hiệu giao thông, cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Vẽ tranh cổ động, thực hiện các pa nô, băng rôn… phục vụ công tác tuyên truyền tưởng dễ mà khó, bởi người thực hiện phải có khả năng lên ý tưởng về hình ảnh, khái quát nội dung, biết cách thể hiện câu chữ sao cho trang nhã mà ấn tượng, có sức thuyết phục với người xem. Thời nay, cần có những cách thể hiện mới hơn, mang tính chất hòa nhập xu thế phát triển. Anh công nhân hiện nay không chỉ cầm búa, mà thời cách mạng công nghiệp 4.0 tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, đã có đội ngũ công nhân trình độ cao, tiếp cận công nghệ hiện đại; người nông dân không chỉ cầm liềm xuống ruộng, mà đã biết điều khiển các phương tiện phục vụ nông nghiệp hiện đại và hội nhập. Vậy hà cớ gì chúng ta cứ thể hiện pa nô, tranh cổ động bằng tư duy cũ kỹ. Các bảng điện tử giao thông thông minh được lắp đặt trên nhiều tuyến đường TPHCM với kinh phí đầu tư lớn, nhưng cũng chỉ để chạy những khẩu hiệu sáo mòn. Sẽ hiệu quả hơn nếu đưa ra những thông điệp, những thông tin ngắn gọn, thiết thực và cập nhật. Không thể cứ mãi sử dụng phương thức cũ kỹ, lạc hậu để làm những bức tranh cổ động như lâu nay, mà phải quan tâm ứng dụng công nghệ nghe nhìn hiện đại.
CA DAO (quận 9, TPHCM)
Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan
Luật pháp nước ta hiện khá đầy đủ và phong phú, có thể điều chỉnh, chi phối mọi lĩnh vực, mọi hành vi hoạt động của công dân. Sách luật cũng được in phát hành rất nhiều, nhưng ít ai mua, có mua cũng ít chịu khó đọc, lại càng không thể nhớ hết các điều luật đã quy định để điều chỉnh kịp thời những hành vi có thể vi phạm pháp luật trong sinh hoạt đời sống thường ngày. Mặc dù ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp vẫn không ngừng tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều phương thức, nhưng các hành vi vi phạm pháp luật của người dân trên mọi lĩnh vực vẫn không giảm, ngày càng có chiều hướng gia tăng phức tạp, và khi ra trước cơ quan công quyền, trước tòa để chịu sự chế tài của pháp luật thì hầu hết người vi phạm thường tỏ ra chưa biết, chưa hiểu, biện minh là không biết có quy định điều luật mà họ vướng phải đó. Chứng tỏ các phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nước ta chưa thực sự đi sâu vào lòng người, chưa đưa pháp luật đi vào cuộc sống nên chưa phát huy tác dụng tốt, chưa tác động hiệu quả đến ý thức người dân để mọi người có suy nghĩ tích cực trong quan hệ xã hội hay ứng xử phù hợp với thiên nhiên, cảnh quan môi trường nhằm chủ động tránh trước các hành vi vi phạm; từ đó, gây khó khăn cho việc thực thi.
Thay vì tốn tiền cho những bảng khẩu hiệu suông, vô thưởng vô phạt treo nhiều nơi như hiện nay, thì nên thay thế bằng những pa nô nơi công cộng thật ấn tượng, ghi điều luật chế tài hành vi vi phạm cụ thể, như phạt về hút thuốc, phạt về xả rác và nước thải gây ô nhiễm môi trường, phạt hành vi đánh nhau gây mất trật tự… để nhập tâm người dân, sẽ có tác động tốt đến nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật của mọi người trước khi họ có hành vi sai trái. Đồng thời, khi thực thi pháp luật, người làm nhiệm vụ cũng dễ xử lý do người dân không thể chối cãi, biện minh rằng mình không biết đó là hành vi phạm pháp.
NGUYỄN VĂN THƯỚC
(TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)