Cần đổi mới cơ chế để quản lý Uber, Grab

Mặc dù có tên “Đổi mới quản lý hoạt động taxi” nhưng hội thảo do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức ngày 23-2 tại Hà Nội lại nóng bỏng với các ý kiến tranh luận xung quanh việc cần quản lý loại hình xe Uber, Grab như thế nào để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng với taxi truyền thống.

Mặc dù có tên “Đổi mới quản lý hoạt động taxi” nhưng hội thảo do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức ngày 23-2 tại Hà Nội lại nóng bỏng với các ý kiến tranh luận xung quanh việc cần quản lý loại hình xe Uber, Grab như thế nào để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng với taxi truyền thống.

Thậm chí ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam còn kiến nghị cần có chế tài quản lý Uber, Grab, đặc biệt trong việc thu thuế. Nếu cần thiết, hiệp hội sẽ kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, trong khi doanh nghiệp taxi truyền thống không được gia tăng số lượng xe trong 6 năm qua thì số lượng xe của Uber và Grab trong năm 2016 hoạt động như taxi tăng gần 10.000 xe. Bên cạnh đó, taxi truyền thống phải gánh chịu nhiều loại thuế cao như: thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thì theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Uber và Grab đang được hưởng mức thuế doanh thu chỉ 3% trên 80% doanh thu. Do vậy, thực chất Uber và Grab đang được hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập. Điều này gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cũng nhận định, các xe chạy Uber, Grab đang “làm mưa làm gió” trên thị trường vận tải cả nước, lấn lướt, thậm chí có thể đè bẹp dẫn đến phá sản các hãng taxi. “Trong năm 2016, các doanh nghiệp taxi tại TPHCM đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế, phí. Trong khi đó, với tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống, vậy với cách tính dành cho Grab, Uber liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền?”, ông Hỷ đặt câu hỏi.

Đề xuất cách quản lý loại hình Grab, Uber, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình vận tải, ông  Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không, đây là hoạt động “chui”, phải tịch thu xe khi lực lượng chức năng phát hiện. Về quản lý tài chính, cần xem xét lại cách thu thuế đối với Uber, Grab để đảm bảo công bằng.

“Bộ Tài chính cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua. Nếu không thực hiện chúng tôi sẽ kiến nghị với Nhà nước để xử lý, thậm chí chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế”, ông Thanh nhấn mạnh.

Hiệp hội Vận tải TPHCM cũng đưa ra kiến nghị thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%. Đồng thời, Nhà nước nên có giải pháp quản lý, khống chế số lượng xe hợp đồng, phân biệt giữa xe kinh doanh với xe của cá nhân hộ gia đình đặc biệt là đối với loại xe dưới 9 chỗ. 

Tại hội thảo, trả lời câu hỏi liệu có thất thu thuế của Uber, Grab, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu, doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân. Do Uber là doanh nghiệp của Hà Lan không hiện diện tại Việt Nam nên ấn định thuế trên doanh thu. Các bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh, phải quản lý được số kilômét xe, số đầu xe thì mới có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber.

Thừa nhận hoạt động của Grab, Uber đang được quản lý lỏng lẻo; tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng vấn đề đặt ra là cần phải xem xét loại hình vận tải mới này trên cơ sở lợi ích cho người dân khi được cung cấp dịch vụ giá rẻ hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua hoạt động của Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi truyền thống quá đắt đỏ. Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp việc ứng xử với mô hình kinh doanh mới không nên cấm mà cần làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, hiện thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên phải đổi mới về cơ chế. Đại diện các Vụ Vận tải và Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, các cơ quan chức năng sẽ xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86 để tạo được sự ổn định trong quản lý Nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo động lực cho các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục