Nghịch lý về phân bổ biên chế
Thực tế phân bổ biên chế chưa hợp lý, thường có tình trạng biên chế giao cho các cơ quan, đơn vị chỉ tăng thêm, chứ không giảm đi. Nhiều cơ quan tranh thủ xin thêm biên chế, cơ quan nào nhanh chân thì được nhiều biên chế, cơ quan nào chậm chân thì biên chế ít. Từ đó, dẫn đến nghịch lý là nhiều cơ quan được giao thêm các nhiệm vụ mới nhưng biên chế, bộ máy vẫn không tăng, như các ngành tài nguyên - môi trường, tư pháp, ngoại vụ...
Ngược lại, một số cơ quan, đơn vị do thực hiện phân cấp hoặc xã hội hóa mà không còn đảm đương nhiều nhiệm vụ trước đây, như nội vụ, văn hóa xã hội, thi hành án dân sự, kế hoạch hóa gia đình, bưu chính, viễn thông, tuyên truyền lưu động..., nhưng vẫn được giữ nguyên biên chế, bộ máy.
Hệ thống cơ quan nhà nước ở nước ta được tổ chức theo cấp hành chính và biên chế được bố trí định mức theo cấp hành chính. Do vậy, có tình trạng nhiều nơi không có việc làm nhưng vẫn được bố trí biên chế đầy đủ theo khung đã ấn định, trong khi những nơi khác khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế cũng tương đương, nếu có bổ sung theo tỷ lệ vụ việc, dân số thì cũng không đáng kể. Minh chứng dễ thấy nhất là ở hệ thống cơ quan tổ chức theo ngành dọc như tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thuế, kho bạc...
Có chi cục thi hành án dân sự cấp huyện mỗi năm chỉ thụ lý, giải quyết khoảng 10 vụ việc, thậm chí cả tháng không phát sinh vụ việc nào, số tiền thi hành án cũng chỉ vài chục triệu đồng (chủ yếu là cấp dưỡng nuôi con) nhưng định mức cứng vẫn gồm: 1 chi cục trưởng, 1 chi cục phó, đội ngũ chấp hành viên, thư ký, chuyên viên, kế toán, văn thư... đầy đủ cả. Thậm chí, theo Nghị định 68, các cơ quan này còn được giao 1 tạp vụ và 2 bảo vệ hợp đồng (1 bảo vệ cơ quan và 1 bảo vệ kho tang vật).
Nhìn chung, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức còn quá cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, do vậy, việc sắp xếp, tinh giản là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là giảm mạnh các đầu mối, đồng thời điều chuyển, cân đối lại biên chế giữa các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, hơn là thực hiện tinh giản một cách cơ học.
Tránh rập khuôn, máy móc, cào bằng
Theo khoa học quản lý, khi đối tượng quản lý và phục vụ tăng lên, thì nguồn lực, nhân sự của các cơ quan quản lý, phục vụ phải tăng theo để đáp ứng yêu cầu của công dân, tổ chức. Vì vậy, việc áp dụng quy định tinh giản đồng loạt 10% biên chế sẽ gây khó khăn, tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan trực tiếp thụ lý, giải quyết công việc hàng ngày cho người dân.
Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi công cuộc cải cách hành chính đang được Đảng và Nhà nước ta coi là khâu trọng điểm, đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức và góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu đặt ra trong cải cách hành chính là rút ngắn tối đa thời gian giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức. Do đó, nếu máy móc tinh giản biên chế ở những bộ phận trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, sẽ rất khó đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong cải cách hành chính.
Từ thực tế đó, biện pháp cấp bách, hiệu quả để thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị mà không ảnh hưởng đến yêu cầu nhiệm vụ được giao của các cơ quan nhà nước, là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cân đối, điều hòa, điều chỉnh lại biên chế giữa các các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị.
Theo đó, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị để bố trí, sắp xếp biên chế hợp lý, đặc biệt là linh hoạt trong việc điều chuyển biên chế từ cơ quan này sang cơ quan khác để đảm bảo sử dụng biên chế hợp lý. Tránh tình trạng rập khuôn, máy móc, cào bằng trong việc tinh giản biên chế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức.
Hạn chế tối đa tình trạng các cơ quan thực hiện khối lượng công việc lớn, phức tạp cũng bị cắt giảm biên chế đồng đều như các cơ quan khối lượng công việc ít, dẫn đến bất hợp lý, lãng phí trong bố trí, sử dụng biên chế hành chính.