Theo thông tin từ cuộc họp, 9 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 3.235.075 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, du lịch có mức tăng cao nhất (tăng 16,9%), tiếp đến là các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng đạt mức tăng khá (11,8% - 13%). Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 374.758 tỷ đồng, tăng 1,29% so với tháng trước.
Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2018 nhìn chung vẫn tăng trưởng tích cực, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn gay gắt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện thì GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%, tương đương thiệt hại 430 tỷ USD. Bên cạnh đó, các biến động về chỉ số giá của đồng USD xoay quanh 3 quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ tác động tới giá hàng hóa thế giới trong những tháng cuối năm.
Theo nhận định từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), những biến động về quan hệ chính trị, thương mại từ các nước lớn trên thế giới đã tác động đến thị trường hàng hóa quốc tế và theo đó, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong nước. Điển hình nhất là nhóm hàng nhiên liệu năng lượng hiện đang chịu tác động rất lớn từ việc biến động giá trên thị trường thế giới kể từ quý 2-2018.
Số liệu từ Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,72% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 9 tháng, CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9; đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7 lần lượt là 4,67% và 4,46% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Tuy nhiên, trong 2 tháng 8 và 9-2018, tốc độ CPI bình quân có tăng chậm lại ở mức 3,53% (bình quân 8 tháng) và 3,57% (bình quân 9 tháng), tức chỉ tăng 0,04%. Với diễn biến này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Dự báo về giá cả, cung - cầu hàng hóa trong thời gian tới, Tổ điều hành thị trường trong nước, nhận định thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố, gây áp lực tăng cầu, tăng giá. Thông thường những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng; tỷ giá tăng ảnh hưởng đến nhóm hàng nhập khẩu; các nhóm hàng năng lượng, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn tiểm ẩn xu hướng tăng; tình hình thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh đối với chăn nuôi heo đang có nguy cơ diễn biến bất lợi.
Trước tình hình trên, để triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo nguồn hàng cho các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.