Nhiều thí sinh cảm nhận nó giống như một kỳ kiểm tra học kỳ hơn là ứng thí căng thẳng, vì đề thi của các môn thi, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH) ra sát chương trình, không quá khó, có độ phân hóa. Thời gian thi ngắn, nhanh, gọn, trật tự và vi phạm quy chế thi giảm xuống 5 lần. Do kỳ thi THPT được trao cho Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) các tỉnh, thành phố tổ chức tại địa phương nên thí sinh không phải di chuyển xa, tâm lý thoải mái, đỡ tốn kém. Đặc biệt, hình ảnh phụ huynh khăn gói “lai kinh ứng thí” cùng con cái, vật vờ chờ đợi, dõi theo hành trình thi cử của con cái ở cổng điểm thi không còn...
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được đó thì kỳ thi THPT “2 trong 1” này vẫn bộc lộ một số điểm cần rút kinh nghiệm. Đó là, việc làm bài thi tổ hợp liên tục với 3 môn thành phần của bài thi KHTN (Lý, Hóa, Sinh) và KHXH (Địa, Sử, Giáo dục công dân) diễn ra trong một buổi, với mỗi môn 50 phút, là chưa hợp lý. Điều này, đã được nhiều hiệu trưởng, giáo viên góp ý cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017. Và nó diễn ra đúng như dự báo.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái
Theo các giáo viên coi thi, với thời gian quy định nghỉ giữa 2 bài thành phần môn chỉ vỏn vẹn 10 phút là quá cập rập. Vì thế, nhìn các em vội vã, tất bật nộp bài thi với tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng, thầy cô rất thương cảm. Điều này ảnh hưởng đến kết quả làm bài môn thi tiếp theo, dẫn đến không đánh giá đúng năng lực, trình độ của thí sinh. Hơn nữa, một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng 2 bài thi tổ hợp KHTN, KHXH chỉ là sự lắp ghép cơ học để rút ngắn thời gian làm thi chứ không có gì là tích hợp, đổi mới đề thi đúng nghĩa. Vì thế, cần nghiên cứu việc có nên duy trì, tiếp tục tổ chức bài thi tổ hợp theo kiểu lắp ghép như năm nay hay không?
Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT xây dựng ngân hàng đề thi theo chuẩn quốc tế: mỗi môn thi có 24 mã đề thi, mỗi thí sinh trong phòng thi có mã đề thi khác nhau, vì thế không thể quay cóp nhau. Trưởng ban đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cho biết đã thử nghiệm chuẩn hóa đề thi, bước tiếp theo là chuẩn hóa độ khó của đề thi và các câu hỏi được đảo tương đương trong cùng cấp độ dễ hoặc khó, nên tính đồng đều cơ bản bảo đảm.
Thế nhưng, từ thực tế so sánh, nhiều giáo viên cho rằng vẫn có “độ vênh” khó dễ giữa các mã đề thi và điều này ảnh hưởng đến kết quả làm bài. Vì thế, Bộ GD-ĐT rất cần xem xét rút kinh nghiệm để chuẩn hóa đề thi hơn nữa, nhằm đảm bảo tính công bằng ở một kỳ thi quan trọng này. Theo đó, phải tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi có sự phân hóa một cách khoa học, từ dễ đến trung bình, từ khó đến rất khó, để đánh giá đúng năng lực, trình độ người học.
Hy vọng Bộ GD-ĐT có sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp, đánh giá đúng cái được và chưa được, để chỉnh những điều chưa hợp lý của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Điều này sẽ tạo thêm niềm tin cho phụ huynh, học sinh và xã hội về đổi mới thi cử trong những năm tới.