Cần để người dân được lựa chọn sở hữu chung cư dài hạn hay có thời hạn

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị duy trì cả loại chung cư dài hạn, có thời hạn để người dân lựa chọn, tất nhiên sẽ phải tính toán, quy định các giải pháp bảo đảm an toàn cho chung cư sở hữu dài hạn.

Vấn đề thời hạn sở hữu chung cư tiếp tục được các đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19-6.

Quốc hội sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội sáng 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Về thời hạn sử dụng chung cư, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

Ở nước ngoài, có những chung cư hàng trăm năm tuổi, trở thành di tích. Ngôi nhà là gia sản không chỉ về mặt vật chất mà còn là tinh thần của các gia đình. Do đó, đề nghị duy trì cả loại chung cư dài hạn, có thời hạn để người dân lựa chọn, tất nhiên sẽ phải tính toán, quy định các giải pháp bảo đảm an toàn cho chung cư sở hữu dài hạn. Ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận. QUANG PHÚC

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận. QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất giải pháp về nhà ở di động là giải pháp khả thi để người dân có ngay chỗ ở mới, tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ĐB, dự thảo luật chưa có quy định về nhà ở di động, trong khi đây là loại nhà được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu. Tại Việt Nam, hiện cũng đã bắt đầu sử dụng loại hình nhà di động nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch, nhà vườn, cắm trại.

“Tại Mỹ, nhiều khu phố cũng được hình thành nhanh chóng nhờ vào việc sử dụng nhà ở di động đã được lắp đặt sẵn cho những khu dân cư mới hoặc những khu đất được cho thuê mua”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

ĐB cũng chỉ rõ thực trạng hiện nay, việc tái định cư cho người dân để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn về việc làm sao để người dân nhanh chóng có chỗ ổn định. Một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là việc chuyển dân cư ở các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn để sống tạm ở một khu vực khác trong thời gian chung cư cũ được cải tạo hay xây mới.

Do đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất nhà ở di động là một giải pháp khả thi để giúp cho người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của nhà ở di động cũng được bảo đảm không khác gì với nhà ở thông thường. Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần. Nhà nước, nhà đầu tư có thể mua, thuê lại đảm bảo chi phí hợp lý, không bất tiện, lãng phí như việc làm nhà tạm cho người dân sinh sống trong thời gian dài.

“Việc luật hóa nhà ở di động giúp người dân có thêm lựa chọn cho nơi sinh sống của mình phù hợp với tài chính, phù hợp với cuộc sống năng động của người trẻ. Người dân cũng có thêm nhiều lựa chọn cho việc mua đất gắn liền với nhà ở, thuê đất và mua nhà ở di động đặt vào để sinh sống, sau này khi chuyển nơi khác thì cũng có thể chuyển nhà ở di động đến nơi ở mới. Mặt khác, loại nhà này mới cũng phù hợp với việc phục vụ cho phòng chống thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh để các đội ngũ y tế cứu hộ an ninh, tình nguyện viên cũng có thể phục vụ thời gian dài”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh phân tích thêm.

Theo ĐB, nếu như nhà ở di động được chấp nhận đưa vào luật thì cần có quy định khu vực dành cho loại nhà này thường là khu ngoại ô, đất thương mại được thiết kế cho mục đích ở; đối với trường hợp bố trí cư dân ở các khu chung cư ở tạm để xây lại thì cũng cho phép lập khu vực này trên đất công ích của địa phương. Bên cạnh đó, cũng phải có tiêu chuẩn về nhà ở di động.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng góp ý vào chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đề nghị có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và ban hành các mẫu thiết kế điển hình đối với loại nhà ở phù hợp với từng khu vực, từng vùng miền.

“Cần quy định cụ thể để tránh trường hợp bê tông hóa các kiểu nhà ở nông thôn, đưa nhà đô thị về nông thôn mà phải dựa trên truyền thống của nông thôn để phát triển”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu.

Liên quan đến các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung quy định về việc hạn chế vật nuôi trong chung cư sẽ được quy định tại hội nghị nhà chung cư. Việc cho phép nuôi vật nuôi trong chung cư phải tuân thủ theo pháp luật về thú y và quy định của hội nghị nhà chung cư.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận cho rằng, không nên can thiệp việc nuôi thú cưng của người dân ở chung cư, nên thiết kế để người dân được thực hiện quyền nuôi thú cưng, vì đó là nhu cầu chính đáng, có tính chất bồi đắp tình yêu thiên nhiên với tinh thần nhân văn, đây là quyền điều mà người dân ở chung cư nhiều nước được phép.

Tin cùng chuyên mục