Do đó, Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực này… Đây cũng là chủ đề tọa đàm “Đầu tư cho giao thông Nam bộ” do Báo SGGP tổ chức ngày 25-5-2017, đã ghi nhân rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học. Trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp Quốc hội, các đại biểu tiếp tục bày tỏ mong muốn phía Nam sẽ được Chính phủ quan tâm đầu tư đúng mức hạ tầng giao thông.
Cầu Năm Căn khánh thành ngày 7-2-2015, cây cầu lớn cuối cùng nối liền tuyến đường bộ
thông suốt từ cực Bắc của Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau.
thông suốt từ cực Bắc của Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội): Phải đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL
Tôi không đánh giá về những ý kiến cho rằng ở phía Bắc được đầu tư hạ tầng giao thông nhiều hơn phía Nam, vì nó còn liên quan đến việc đầu tư ngân sách khác với đầu tư hợp tác công tư. Cũng có thể ở phía Bắc việc đầu tư hợp tác công tư dễ dàng hơn so với phía Nam. Tôi vẫn thường nói với các đồng chí lãnh đạo ở miền Tây Nam bộ là cần phối hợp trong một quy chế liên vùng để cùng xây dựng đề án trình Chính phủ. Mục tiêu của đề án là để Chính phủ có quan tâm hơn, cùng với đó thu hút hơn nữa hợp tác công tư. Giao thông bộ ở khu vực miền Tây Nam bộ đúng là đang rất khó khăn, quá tải. Tôi ủng hộ quan điểm phải đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL, vì đó là vựa lúa, vựa cây trái, thủy sản của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Vì thế, phải thiết kế hệ thống giao thông làm sao phát triển được giá trị của khu vực này. Trước giờ Chính phủ cũng rất quan tâm giao thông cho khu vực ĐBSCL, nhưng chủ yếu là giao thông thủy. Hiện nay đã đầu tư làm nhiều cầu hơn, sẽ xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, nối Trà Vinh và Sóc Trăng bằng ngân sách Nhà nước.
Đúng như các ý kiến đã nêu, do tính chất địa hình, suất đầu tư giao thông ở khu vực ĐBSCL rất lớn, vì thế các nhà đầu tư không hào hứng. Trong điều kiện ngân sách có hạn, cơ chế hợp tác công tư khó khăn thì tôi cho rằng cần tăng cường sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư giao thông cho khu vực này. Chính phủ cần cân nhắc các phương án đầu tư cho giao thông ở khu vực ĐBSCL. Chỉ khi hạ tầng giao thông ổn định thì các đầu cầu kinh tế khu vực phía Nam mới phát triển, tạo ra giá trị đặc biệt cho khu vực này nếu giao thông được kết nối.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phải ưu tiên nơi nào có hiệu quả và động lực phát triển
Theo tôi, điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải nhìn vào nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ĐBSCL. Nông nghiệp phải được đầu tư đúng mức, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Áp lực giao thông ở các tỉnh phía Nam hiện nay là rất quá tải, xuống cấp; vì vậy phải dành vốn không chỉ từ ngân sách mà từ vốn vay ưu đãi, ODA để dành nhiều hơn nữa cho khu vực phía Nam, vì đó là động lực phát triển của cả nước.
Vừa qua đầu tư giao thông ở phía Nam cũng rất nhiều, nhiều cầu mới được xây dựng. Nhưng phải thừa nhận, với một nơi mặt bằng dân cư đông đúc như ở khu vực phía Nam thì hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, kể cả những tuyến cao tốc từ TPHCM về các tỉnh ĐBSCL hiện nay cũng đã quá tải. Vì vậy, Chính phủ cần phải ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng này nhiều hơn, coi đó là yêu cầu cấp bách. Tại TPHCM, hiện nay nguồn vốn đầu tư cũng rất khó khăn, ngay cả nguồn vốn cho dự án metro Bến Thành - Suối Tiên cũng không bảo đảm. Tôi cho rằng, nguyên tắc trong phân bổ các nguồn vốn đầu tư là phải ưu tiên nơi nào có hiệu quả và động lực phát triển. Nguyên tắc đó cần phải được thông suốt trong lĩnh vực phân bổ vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam cần được phân bổ hợp lý hơn.