Đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban), trưởng đoàn giám sát cho biết, kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 6-2020 và Quốc hội sẽ chất vấn Chính phủ về vấn đề này.
Phần nổi của “tảng băng chìm”
Một ngày trước khi làm việc với UBND TPHCM, đoàn đã làm việc với UBND quận Tân Bình, thăm 2 trung tâm đang quản lý nuôi dưỡng trẻ em ở quận Gò Vấp. Trước đó, đoàn cũng làm việc với 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.
Báo cáo trước đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn cho biết, TPHCM hiện có gần 2,1 triệu trẻ em. Từ 2015 đến tháng 6-2019 có 499 trẻ em bị xâm hại, trong đó có tới 429 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đại biểu Phan Thanh Bình bày tỏ băn khoăn khi số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm tới 86% các vụ xâm hại. Ông cho biết con số này bình quân cả nước là 60%; trong số các nơi đoàn giám sát thì có nơi trên 50%, có nơi tới 90%. Theo ông, ở một đô thị phát triển như TPHCM, thực tế các vụ bạo lực, chăn dắt trẻ em là có nhưng chưa được thể hiện trong báo cáo. Ông cho rằng cần đánh giá thêm các loại hình xâm hại trẻ em khác, bởi những số liệu các ban ngành nắm được có khi chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban, cũng đề nghị TPHCM cần có đánh giá thêm về tình trạng bạo lực học đường, về nạn trẻ em lang thang xin ăn, chăn dắt trẻ em, về các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em luôn là mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP. Bên cạnh công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, các cơ quan cũng kịp thời hỗ trợ trẻ em là nạn nhân các vụ xâm hại, xử lý nhanh chóng quyết liệt các vụ việc. Tuy vậy, với số trẻ em còn nhiều hơn dân số của nhiều tỉnh thành, mỗi năm lại đón nhận hàng trăm ngàn người nhập cư, khiến cho công tác phòng chống xâm hại trẻ em cũng gặp khó khăn. Với các vụ bạo hành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Bùi Thị Diễm Thu cho biết, tình trạng bạo hành trước đây xảy ra nhiều hơn ở nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong khi loại hình tư thục chiếm tới 65% nhu cầu gửi trẻ, sở đã tích cực tập huấn, phân cấp quản lý và đến nay tình trạng này đã giảm hẳn.
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm
Báo cáo của UBND TPHCM cũng thừa nhận những con số về các vụ xâm hại trẻ em chưa hoàn toàn phản ánh thực tế, vì xuất phát từ yếu tố văn hóa, nhiều gia đình chọn cách im lặng. Trẻ em sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm như bạo hành gia đình, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại rất cao. Có trường hợp giữa bị cáo và bị hại thực sự có tình cảm yêu thương, nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật nên vi phạm pháp luật. Một số trường hợp xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều năm mà nạn nhân im lặng nên khó xác định được hành vi. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng không thể chỉ vì nạn nhân im lặng mà không phát hiện và xử lý hành vi xâm hại trẻ. Đề nghị đánh giá thêm trách nhiệm của chính quyền, sở ban ngành đoàn thể. Chẳng hạn, các em dưới 16 tuổi sống chung với nhau như vợ chồng là trái quy định của pháp luật, các đoàn thể không thể không biết.
TPHCM đã kiến nghị tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em, tăng số năm tù, bỏ luôn hình thức hưởng án treo. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng hiện nay các tội danh xâm hại tình dục trẻ em đã quy định mức hình phạt rất nghiêm khắc, nhưng thực tế nhiều vụ tòa xử dưới khung. Về các quy định, các đại biểu cũng cho rằng, văn bản có đầy đủ nhưng vấn đề là có được triển khai hay không. Thực tế giám sát ở các địa phương có những chính sách có từ lâu nhưng cán bộ không nắm, còn tranh luận ngược trở lại với đoàn giám sát.
Tổng kết buổi làm việc, đại biểu Phan Thanh Bình nhận xét, giữa các cơ quan vẫn còn rời rạc, số liệu giữa các sở ngành còn chưa khớp, rất cần một tổng chỉ huy chứ không thể để ngành tư pháp lo tư pháp, ngành giáo dục chỉ lo về giáo dục. Người đứng đầu ở địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác trẻ em.