Ngày 24-11, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 20-1-2003) và Kết luận số 28-NQ/TW (ngày 14-8-2012) của Bộ Chính trị tại tỉnh Sóc Trăng.
Sau 17 năm thực hiện kết Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển về quy mô và tiềm lực kinh tế, GRDP năm 2020 đạt hơn 55.000 tỷ đồng (tăng 8,34 lần so với năm 2002), thu ngân sách đạt hơn 16.730 tỷ đồng (tăng 19,24 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003 đến 2020 là 18,02%, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,62 triệu đồng (tăng 11,35 lần)…
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2020 khu vực I giảm còn 45,1%, khu vực II 14,51%, khu vực III tăng lên 40,39%; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường ngày càng vững mạnh, tình hình an ninh chính trị, quốc phòng được giữ vững…
Tại hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến, kiến nghị xoay quanh các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL như: lo lắng nguy cơ tụt hậu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL so với các vùng và cả nước; hạ tầng giao thông vùng còn yếu kém, không đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng; toàn vùng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu; các hoạt động liên kết vùng còn bộc lộ nhiều hạn chế...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những kết quả nổi bật mà tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị.
Liên quan đến những nút thắt hiện hữu tại vùng ĐBSCL, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý các địa phương cần thay đổi tư duy về phát triển vùng ĐBSCL, không nhìn theo tư duy riêng lẻ của từng địa phương mà phải tư duy từ góc độ vùng kinh tế để xử lý các vấn đề đặt ra. Từ đó, có sự liên kết, hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế nguồn lực để cùng nhau phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các địa phương cần đánh giá đúng, chính xác tác động của dịch Covid-19 đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống. Để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, kịp thời cho chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19.