Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng (VPCP) Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Ngày 12-3 vừa qua, VPCP đã khai trương trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Trong năm 2019, sẽ tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bởi, ngoài chi phí giải quyết thủ tục hành chính theo luật vẫn còn dư luận các doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng.
Theo Phó Thủ tướng, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh, hiện nay các bộ, ngành còn nhiều rào cản, TTHC cần cải cách nhưng lại chưa cải cách và đây chính là “nút thắt”, do đó, cần lắng nghe địa phương, doanh nghiệp họ nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời.
“Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng”, Phó Thủ tướng nêu và yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách TTHC tại bộ ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách TTHC lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ TTHC… và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, chủ động đối thoại giữa hội đồng tư vấn với các bộ, ngành và địa phương đang có nhiều vấn đề lớn đặt ra như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Cùng với đó, cần nhanh chóng khắc phục “khoảng trống” về pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có như vậy mới góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần giải phóng các nguồn lực xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.