Cần đánh giá định lượng về tác động kinh tế trước khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia

Ngày 14-11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (TTĐB) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”.

Điểm nổi bật của hội thảo lần này là phần chia sẻ kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế định lượng của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”. Đây là công trình nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện.

Đánh giá về các tác động tăng thuế, nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án, trong đó 2 phương án dự kiến tăng của Bộ Tài chính đối với mặt hàng bia (được đề cập trong dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi) và 1 phương án tăng thuế theo đề xuất của Hiệp hội bia rượu và nước giải khát Việt Nam.

CXKHOA_6242.JPG

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết quả tính toán cho thấy khi tăng thuế TTĐB đối với bia, ngân sách Nhà nước (NSNN) từ thuế sản phẩm (gián thu) tăng trong ngắn hạn, nhưng sẽ giảm về trung và dài hạn vì chu kỳ sản xuất của ngành bia thường ngắn hạn, và theo đó, sản xuất ngành bia và các ngành trong nền kinh tế sụt giảm.

Thêm vào đó, nguồn thu NSNN từ thuế gián thu tăng, nhưng nguồn thu từ thuế trực thu lại giảm. Do đó, tăng thu NSNN trong cả hai phương án đều chỉ trong ngắn hạn, hơn nữa cũng không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Do đó, theo TS Nguyễn Minh Thảo, khi đề xuất phương án tăng thuế TTĐB cần đánh giá toàn diện và tính tới các yếu tố như: bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp, yêu cầu về phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, các công cụ điều tiết khác sẵn có, các hệ lụy kinh tế, xã hội…

CXKHOA_6278.JPG

Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội và chuyên gia đã đề cập đến việc thiếu đánh giá mang tính định lượng toàn diện của ngành bia đối với đề xuất tăng thuế TTĐB trong thời gian tới, bao gồm các tác động tới đối tượng trực tiếp, gián tiếp, các ngành liên quan, phụ trợ, tác động người tiêu dùng, kinh tế, xã hội, ngân sách, lao động, môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch, dịch vụ và sức khỏe.

Theo đó, cần làm rõ các vấn đề cốt lõi được đề cập và điều chỉnh trong dự thảo Luật Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, trong đó nhấn mạnh đến các phương án tăng thuế cần đáp ứng được 4 mục tiêu: tăng trưởng; ổn định thị trường; đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng ngành hàng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Đồng thời, các ý kiến đóng góp cho dự thảo cũng cho rằng nội dung tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu cần phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu, các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin cùng chuyên mục