Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy cho biết, ủy ban cơ bản tán thành việc sửa đổi Luật Viễn thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tờ trình chưa làm nổi bật được sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông một cách toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển nhanh chóng, xu hướng hội tụ, giao thoa giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh, truyền hình... dẫn tới việc khó phân biệt rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực này, phần nào gây lúng túng cho quá trình xây dựng các chế định pháp lý phù hợp. Ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thông tin, làm rõ hơn về tính cấp thiết, quan điểm xây dựng luật trong bối cảnh mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra nhận định, chính sách về "quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông (OTT)” trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình lần này là chính sách mới, không có trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình UBTVQH tại phiên họp thứ 10 (tháng 4-2022) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Hơn nữa, chính sách này chưa được đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. “Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội”, ông Lê Quang Huy nêu rõ.
Bước đầu, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc dự thảo luật bổ sung các quy định về quản lý trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và quản lý ứng dụng internet trong viễn thông vào đối tượng điều chỉnh và quản lý như dịch vụ viễn thông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới này. Mặc dù OTT chỉ có thể được cung cấp dựa trên kết nối internet, nhưng OTT có những khác biệt với dịch vụ viễn thông (không có cơ sở hạ tầng, băng tần…). Việc áp dụng các nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các loại hình dịch vụ này có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến những lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế và tác động không tốt đến thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.
Nhìn nhận báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH-CN-MT đã đánh giá khá sâu sắc, nêu đúng và trúng nhiều nội dung tiếp tục cần nghiên cứu, trong đó có nội dung về dịch vụ OTT, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý thêm, dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ về viễn thông tại Điều 69, Điều 70.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cơ bản đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này với dịch vụ OTT, song đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời cần đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin để tránh chồng chéo.
Ghi nhận dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết thêm, qua quá trình thẩm tra Luật Căn cước công dân, ủy ban nhận thấy 2 luật này có những nội dung về kỹ thuật số cần được thống nhất như lưu trữ thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia. Ông đề nghị 2 bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo 2 luật cần có sự trao đổi, thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới |
Ông Lê Tấn Tới cũng quan tâm đến quy định về bí mật thông tin tại Điều 6 của dự thảo luật và đề nghị phải bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu do Chính phủ quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao.
Về chia sẻ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự luật này có những điểm “vênh” so với Bộ luật Tố tụng Hình sự và đề nghị điều chỉnh dự thảo theo Bộ luật Tố tụng Hình sự.