Và giờ là lễ khởi công phục dựng đình thần An Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Đây là 3 trong số nhiều hoạt động trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang các cơ sở di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.
Những hành động có ý nghĩa bảo tồn, phục dựng một không gian - vật thể, nơi lưu giữ “ký ức tập thể” và chuyển giao cho người hôm nay thờ bái, phụng dưỡng, thụ hưởng của lãnh đạo TPHCM đã thật sự truyền đi thông điệp về giá trị văn hóa - nhân văn sâu sắc, một biểu thị của phép ứng xử tôn kính tiên hiền, tôn trọng tín ngưỡng dân gian của cộng đồng.
Đặt trong quy hoạch - phát triển một thành phố mới như TP Thủ Đức thì quyết định phục dựng đình thần An Khánh ngay trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã cho thấy một tầm nhìn vừa mang tính “phục hiện” vừa đầy tính viễn kiến.
“Phục hiện” một ngôi đình thần, nơi lưu giữ cội nguồn khai ấp lập làng, như một dấu chứng sinh cho người dân, qua bao thế hệ, dù trải lắm biến thiên vẫn ghi nhớ, biết ơn để từ đó biết sống tốt hơn, xứng với người đi trước. Đình thần An Khánh chứa đựng trong nó cái vốn quý là còn lưu giữ cả khu mộ phần của vị công thần đã được tôn thờ là Thành hoàng làng An Khánh. Quần thể này, một khi được trùng tu, phục dựng sẽ góp thêm một di sản cho Thủ Thiêm.
Hơn nữa, trong định hướng phát triển thành phố mới Thủ Đức, cái lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm nếu giữ lại được sẽ cân bằng giá trị di sản và các công trình hiện đại. Trong đó bảo tồn giá trị - kiến trúc văn hóa, lịch sử luôn là linh hồn của một thực thể đô thị sống, là viễn kiến cho một tương lai tốt đẹp.
Điều này đã được chính các chuyên gia, nhà khoa học lý giải, bảo vệ trong cuộc góp ý cho việc phục dựng đình thần An Khánh vừa được Sở QH - KT TPHCM và Thành ủy TP Thủ Đức tổ chức.
Các ý kiến đều nhất trí cho rằng: việc phục dựng đình thần An Khánh phải vì cộng đồng cư dân Thủ Thiêm - TPHCM, vì sự bảo tồn văn hóa Nam bộ. Việc lưu giữ và bảo tồn này cũng là sự xác tín gốc cội của vùng đất, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của chính nó bên cạnh những luồng văn hóa khác đã và đang hội nhập, thậm chí đang lấn át.
Rõ ràng, mỗi một cơ hội trùng tu, phục dựng, chỉnh trang các công trình di tích, thiết chế văn hóa tín ngưỡng là một bài học quý để nhắc nhở chúng ta về một cách hành xử cẩn trọng, mà trên hết, trước hết là tôn trọng tập quán dân gian đã được nhân dân lựa chọn, thờ bái và tổ chức thành một sinh hoạt cộng đồng.
Sinh thời, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng nhắn nhủ: “Quy hoạch thành phố Sài Gòn cho có bản sắc Sài Gòn, trước tiên phải hiểu người Sài Gòn”. Và kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất gợi mở: “Cư dân đặc trưng cho một đô thị phải có nhiều đời gắn bó với sự nghiệp phát triển đô thị đó”.
Những ngày này, nhiều người đều cùng chung một cảm nhận: thành phố như đang được kết nối lại từ nhiều chiều không gian - thời gian. Đó là không gian của “trên bến” lẫn “dưới thuyền”, của ký ức xưa và nhịp sống ngày nay, của lòng biết ơn tiền nhân và thái độ thành kính của lớp hậu sinh, của sự nhạy bén đi cùng sức phát triển kinh tế dịch vụ từ trong lòng các giá trị di sản văn hóa, của dòng chảy từ con sông Sài Gòn - TPHCM chảy đi, lưu chuyển khắp “đồng bằng chín khúc”.
Để sau cùng, đã mở ra chiều kích “an dân” khi chỉ số hài lòng, tin cậy của người dân thành phố tăng cao trước các quyết định phục dựng, bảo tồn, chỉnh trang các công trình di tích, tín ngưỡng hết sức đúng đắn, cần thiết và nhân văn.