Cần cuộc cách mạng cho nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được cấp phép mới, với quy mô 5.526 căn hộ. Đối với nhà ở thương mại, đã cấp mới 126 dự án với 55.732 căn hộ.

Những con số này cho thấy NƠXH khan hiếm nghiêm trọng, trong khi nguồn cung nhà ở hạng trung - cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng nhiều. Thực tế này đẩy giá bất động sản (BĐS) lên mây, dẫn đến khó khăn đầu ra, kéo cả nền kinh tế lao đao.

Trong bối cảnh trên, giữa tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh - bền vững, mở ra nhiều tín hiệu mới, tích cực cho NƠXH. Tại đây, các bộ đã đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng dành cho NƠXH, nhà ở công nhân; Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Giải pháp này trước đây đã được thực hiện và đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2011, thị trường BĐS đóng băng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ra đời đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp; chủ đầu tư cơ cấu lại sản phẩm như “chẻ nhỏ” căn hộ, hạ giá bán, chuyển đổi dự án… Gói tín dụng đã “phá băng” thị trường BĐS, tạo động lực thúc nền kinh tế sôi động.

Dù vậy, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến “lăn tăn”: Lẽ nào chương trình phát triển NƠXH chỉ sôi động khi trở thành “người hùng” giải cứu thị trường BĐS, rồi sau biến thành “đầu voi đuôi chuột”? Do vậy, điều chúng ta cần làm là phải có một cuộc cách mạng triệt để, căn cơ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, thông qua chương trình phát triển NƠXH, cũng như nhà lưu trú công nhân.

Trở ngại lớn nhất hiện nay là thủ tục pháp lý. Đơn cử như tại TPHCM, năm 2022 đã tổ chức động thổ, khởi công xây dựng nhiều dự án NƠXH nhưng hiện trạng chỉ là khu đất cỏ mọc um tùm, vì vướng pháp lý. Như vậy, đối với thủ tục phê duyệt dự án NƠXH, cần có hẳn một bộ thủ tục pháp lý riêng, đơn giản, nhanh chóng so với thủ tục hiện tại. Pháp luật quy định dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, lợi nhuận không vượt quá 10% tổng vốn đầu tư sau khi trừ chi phí. Như vậy, căn cứ theo cơ sở này, thủ tục NƠXH không cần thiết phải kéo dài, vì không gây thất thoát ngân sách! Có thể, nguồn gốc đất từ đất công hoặc của các doanh nghiệp, căn cứ trên cơ sở về quy hoạch, về chỉ tiêu dân số, giao thông… là có thể cấp phép cho dự án triển khai xây dựng. Cơ quan Nhà nước chỉ quản lý hậu kiểm bắt buộc: chất lượng xây dựng công trình, đối tượng mua NƠXH phải đúng - trong trường hợp vi phạm sẽ bị chế tài nghiêm minh.

Về giải pháp tài chính, cần cấp vốn đầy đủ và lãi suất ổn định cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Cần thiết phải kéo dài thời gian mua nhà tới 30 năm, giúp người dân rộng cửa hơn khi tiếp cận quỹ nhà này. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, sử dụng các vật liệu xây dựng mới và áp dụng các hình thức thi công tiên tiến của thế giới để rút ngắn thời gian thi công, nhờ đó sẽ góp phần giảm giá cho người mua nhà.

Để đốc thúc chương trình đạt hiệu quả, chúng ta có thể xem xét thành lập tổ công tác ở từng cấp, có đủ thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc kịp thời, nhằm đảm bảo chương trình phát triển NƠXH thông suốt, hiệu quả.

Một đề xuất khác, là NƠXH phải có tiện ích kèm theo phục vụ người dân, nâng cao chất lượng môi trường sống, như các dự án nhà ở thương mại.

Nếu những giải pháp nêu được triển khai và thực hiện quyết liệt trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng chương trình phát triển NƠXH sẽ có kết quả tốt, giải quyết được chốn an cư cho người thu nhập thấp cũng như các thành phần yếu thế trong xã hội. Quỹ nhà dồi dào này cũng sẽ là cơ sở để chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch, một nhu cầu bức thiết của đô thị.

Tin cùng chuyên mục