Cần cú hích cho nông nghiệp phát triển bền vững


Dù đã đạt được nhiều thành quả nhưng việc đầu tư, phát triển nông nghiệp ở miền Trung - Tây Nguyên đang gặp nhiều thách thức vì thiếu vốn, giá cả bấp bênh, hay thiếu đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp, nông dân đang rất kỳ vọng hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân lần thứ 3 (dự kiến diễn ra vào hôm nay 28-9 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sẽ mở “nút thắt”, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.  
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân làm giàu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân làm giàu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Những tín hiệu vui

Nhiều năm qua, việc sản xuất những mặt hàng nông sản thế mạnh ở Tây Nguyên như cà phê, tiêu, cao su, rau, hoa đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở Lâm Đồng, có khoảng 54.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu bình quân đạt trên 160 triệu đồng/ha, nông dân có thu nhập trung bình 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; cà phê đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm; hoa đạt 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm... Còn ở Gia Lai, với sự tham gia của nhiều “ông lớn” trong ngành nông nghiệp, đã bước đầu phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.262ha cây rau, quả, cà phê... được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có 15 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký 2.370 tỷ đồng, đồng thời chấp thuận cho 26 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát dự án tổng số vốn đăng ký khoảng 4.255 tỷ đồng.

Xuôi về miền Trung, những ngày này, bà con nông dân Quảng Trị phấn khởi thu hoạch vụ lúa hè thu được mùa, được giá. Trong đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ có năng suất trung bình 6,6 - 7 tấn/ha, có nơi đạt 8 tấn/ha được thu mua ngay tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg, lãi ròng hơn 20 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thông thường. Đây cũng là vụ thứ 10 kể từ khi nông dân Quảng Trị tham gia sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình canh tác tự nhiên được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, từ mô hình trồng lúa hữu cơ cho năng suất ổn định và giá thành sản phẩm cao 1,5 - 2 lần so với lúa thông thường nên giờ nghe trồng lúa hữu cơ là bà con xung phong làm. Đặc biệt, kể từ khi thông tin gạo hữu cơ Quảng Trị chứa 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B (là 2 hợp chất quý, có tác dụng chống tiểu đường, béo phì) được công bố rộng rãi khiến sản lượng gạo hữu cơ Quảng Trị bán ra thị trường tăng gấp 3 lần so với trước, đồng thời thâm nhập các siêu thị lớn trong cả nước và tham gia các gian hàng thương mại tại một số nước. 

Còn nhiều lực cản

Bên cạnh những mặt đạt được, sản xuất nông nghiệp tại miền Trung - Tây Nguyên cũng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn chưa có hồi kết. Ông Phạm Văn Chử (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) có 6ha cà phê. Trước đây, giá cà phê cao, gia đình khấm khá, nay giảm còn hơn 32.000 đồng/kg cà phê nhân, thu không đủ bù chi phí sản xuất. Chán nản, ông và một số bà con phá bỏ một phần cà phê để chuyển sang trồng cây ăn trái nhưng cũng rớt giá, dẫn đến thua lỗ. Hiện ông cũng không biết trồng cây gì để có lời. 

Một cái khó khác là vấn đề thị trường tiêu thụ. Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, HTX có 105 thành viên tham gia sản xuất 100ha cà phê hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ nên HTX không dám mở rộng diện tích dù quỹ đất còn. 

Trong khi đó, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, khảo sát thực tế ở 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm của cả nước (có 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai) thì diện tích tính đến mùa nắng năm 2020 đã giảm rất nhiều so với thời điểm đỉnh cao năm 2017. Lý do là giá xuống thấp nên bà con không chăm sóc. Một vấn đề nữa là xu thế đáng ra phải hợp tác, liên kết trong sản xuất hồ tiêu giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp nhưng việc liên kết này chưa làm tốt, dẫn đến nguồn lợi hồ tiêu mang lại chưa cao, khi hồ tiêu mất giá thì nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó.

Còn tại Lâm Đồng, theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Dalat G.A.P (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), các mặt hàng rau, nếu muốn xuất khẩu phải sản xuất quy mô lớn, đáp ứng đơn hàng nhiều và liên tục. Để làm được điều đó phải sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn vốn gặp khó khi đất và tài sản trên đất có giá trị hàng tỷ đồng nhưng không được đảm bảo là tài sản thế chấp. Nông dân chỉ biết tự thân vận động bằng cách huy động vốn từ người thân trong gia đình. 

TS Trương Hồng, nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung, đặc biệt là các cây trồng chủ lực Tây Nguyên đang gặp khó khăn, nhất là vấn đề giá cả, thị trường. Người sản xuất chỉ quan tâm đến mở rộng diện tích, năng suất cao nhưng chưa thực sự quan tâm đến giá trị gia tăng sản phẩm làm ra. Chúng ta đã có quy hoạch sản xuất nhưng quy hoạch thị trường thì không có. Việc không có thị trường, mà sản xuất quá nhiều làm thay đổi cán cân cung cầu, dẫn đến giá cả nông sản thấp. Vấn đề khác là hình thức tổ chức sản xuất chưa phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ, manh mún. Từng hộ nông dân áp dụng kỹ thuật trên vườn cây là khác nhau, dẫn đến chất lượng cũng khác. Khi mua bán những lô hàng lớn để xuất khẩu, chất lượng sẽ không đồng đều và đối tác sẽ khó chấp nhận, nhất là thị trường khó tính như châu Âu.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho biết, loại cây chủ lực của địa phương là cao su, đồng thời hiện đang phát triển mạnh cây ăn trái. Tình trạng biến đổi khí hậu gần đây khiến một số nơi cạn kiệt nguồn nước. Do đó, địa phương mong có các chính sách cải tạo hồ đập, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Còn ông Y Giang Gry Niê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tỉnh dù có thế mạnh là đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nhưng cũng có nhiều trở ngại là việc chưa đồng bộ được cơ sở hạ tầng thiết yếu, chưa được đầu tư các nhà máy công nghiệp chế biến sâu cho nông nghiệp, nông dân thiếu nguồn lực về kinh tế. Tỉnh Đắk Lắk cũng mong Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, đường giao thông để kết nối vùng, thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục