Sáng 24-12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quan báo chí. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG |
Về phía TPHCM có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu gặp gỡ các đại biểu. Ảnh: CAO THĂNG |
Cung cấp thông tin để báo chí chủ động định hướng dư luận
Tại hội nghị, theo nhà báo (NB) Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam, báo chí hiện có không gian và điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ. Các chiến lược quy hoạch báo chí dài hạn đã được hoàn thiện và triển khai, mang lại những định hướng rõ ràng để báo chí vận hành và phát triển. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của tình hình đất nước, báo chí phải luôn năng động, không ngừng đổi mới và sáng tạo, bắt kịp những xu hướng của truyền thông hiện đại. Để làm được điều đó, theo NB Vũ Việt Trang, cần quan tâm đặc biệt đến nguồn nhân lực.
Song hiện nay, câu chuyện nguồn nhân lực là bài toàn khó đối với nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí, nhất là trước quy định tinh giản biên chế. “Các cơ quan báo chí chỉ có thể phát triển bền vững khi nguồn nhân lực được đảm bảo về số lượng và chất lượng. Những người làm báo trong thời đại công nghệ số càng phải được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thường xuyên. Một vấn đề nữa là cơ chế giữ chân nhân sự chất lượng cao. Tình trạng chảy máu chất xám, thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt khi cần huy động tham gia những đợt thông tin lớn, trọng điểm, đang là những vấn đề mà các cơ quan báo chí phải đối mặt”, NB Vũ Việt Trang nêu thực tế.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần có đội ngũ chuyên gia giỏi. Xây dựng được đội ngũ chuyên gia am hiểu về hoạt động báo chí và công nghệ thì phải có những cơ chế đãi ngộ thỏa đáng.
Ở khía cạnh khác, NB Vũ Việt Trang nhấn mạnh đến sự cần thiết trong phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương trên mặt trận thông tin, tuyên truyền để sớm có thông tin dự báo, thông tin chính thống, chủ động tổ chức thông tin định hướng dư luận. Theo NB, thông tin “đi trước mở đường” sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, gây bất ổn xã hội.
Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chiến lược chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ - thông tin hàng đầu thế giới. Sự dịch chuyển của công chúng trong cách thức truy cập vào nhiều nguồn phương tiện truyền thông, sự phát triển bùng nổ của thiết bị công nghệ tác động rõ rệt tới bức tranh báo chí - truyền thông tại Việt Nam. Các nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới như Facebook, Youtube, Tiktok… được hậu thuẫn bởi những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ, với hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam đang ngày một lấn át các loại hình báo chí truyền thống.
Theo NB Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital), thực tế đó bắt buộc các cơ quan truyền thông chính thống phải thay đổi để tồn tại, để kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội, nhất là khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh ảnh hưởng đến xã hội. Sự thay đổi và vận động đó không chỉ nằm ở việc cần phải đa dạng hóa nền tảng, kênh phục vụ khán giả, đầu tư công nghệ mà còn phải được triển khai từ trong mô hình tổ chức của mỗi cơ quan truyền thông cũng như có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về những cơ chế chính sách đột phá và nguồn lực tài chính, đầu tư…
Là địa phương có số lượng văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương và tỉnh bạn đông đảo, đứng thứ 4 cả nước, sau Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, theo Sở TT-TT tỉnh Nghệ An, đây là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, thách thức lớn đối với cơ quan quản lý báo chí.
Thời gian qua, công tác quản lý báo chí, đặc biệt là quản lý văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá nề nếp với nhiều giải pháp. Trong đó, Sở TT-TT tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo, giao ban báo chí hàng quý, hàng tháng; sử dụng các mạng xã hội để thường xuyên trao đổi, cung cấp một số thông tin liên quan đến các vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Chia sẻ về tình trạng chung là nhiều cán bộ lãnh đạo “né” cung cấp thông tin cho báo chí. Để cải thiện, Sở TT-TT tỉnh Nghệ An đã tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các đơn vị về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Nhờ đó, tình trạng “né tránh” báo chí tại tỉnh Nghệ An đã được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí có nguồn tin chính thống cung cấp đến bạn đọc.
Kiến nghị giao địa phương chủ động sắp xếp báo chí
Là địa phương có hoạt động báo chí rất sôi nổi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn, thông tin, từ 28 cơ quan báo chí, TPHCM đã sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí (gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí), giảm 9 cơ quan báo chí so với trước.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG |
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, TPHCM tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Quá trình triển khai thực hiện có lộ trình, có lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Về cơ bản, các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản đều ổn định về hoạt động. Bộ máy và tổ chức, được sự chỉ đạo, định hướng hoạt động và quản lý cụ thể, chặt chẽ của cơ quan chủ quản, bước đầu phát huy được đúng mục đích và yêu cầu. Các cơ quan báo chí thành phố chú trọng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn đến với công chúng, đồng thời khai thác các ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên trang điện tử để phát huy tối đa hiệu quả thông tin.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, các cơ quan báo chí cũng gặp một số khó khăn. Điều băn khoăn là Quyết định 362 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử”. Hiện nay, các báo của TPHCM sau khi chuyển đổi thành tạp chí đều có trang điện tử hoạt động. Hầu hết, các nội dung thông tin, tổ chức hoạt động trên các sản phẩm này đều thể hiện như trước, chỉ thay đổi danh xưng theo giấy phép hoạt động là “tạp chí”.
Điều đó lại bị vướng vào tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử (như Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Du lịch, Tạp chí Giáo dục TPHCM...).
“Việc “báo hóa” tạp chí ở các cơ quan tạp chí của TPHCM không thực sự rõ nét nhưng với quá trình cạnh tranh thông tin, với tác động chung và nhu cầu cung cấp thông tin của đối tượng bạn đọc, nếu không có những giải pháp khác hoặc được điều chỉnh quy định cụ thể, có thể sẽ trở thành những vi phạm đáng lưu ý”, đồng chí Lê Hồng Sơn dự báo.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc xử lý về tài sản, công nợ, nhân sự… còn có những khó khăn, cần sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương để giải quyết triệt để.
Từ đó, đồng chí Lê Hồng Sơn kiến nghị cần có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025. Trong đó xem xét, có thể giao sự chủ động cho các địa phương tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của từng địa phương. “Giải quyết được vấn đề này, các cơ quan báo chí mới có thể có chiến lược, định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời đội ngũ người làm báo có thể yên tâm công tác, cống hiến”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nêu ý kiến.
Đồng chí cũng cho rằng, cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh về hoạt động của các loại hình tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử nhằm khắc phục tối đa tình trạng “báo hóa” và việc lợi dụng hoạt động báo chí nhằm mục đích xấu.
Đặc biệt, với xu hướng hiện nay, cần có chiến lược chuyển đổi số cho tất cả các cơ quan báo chí nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các vấn đề về hạ tầng, kỹ thuật, vốn…, theo hướng đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng đầu tư rời rạc, riêng lẻ giữa các địa phương, dẫn đến chất lượng và hiệu quả không cao, thậm chí có thể gây lãng phí các nguồn lực. Đồng thời, cần có các chính sách phù hợp để hỗ trợ hoạt động báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí TPHCM về cơ chế đặt hàng, thuế cũng như chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhân sự làm báo.