Sáng 10-11, Hội đồng Y khoa quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức “Hội thảo kinh nghiệm triển khai kỳ thi Quốc gia đánh giá năng lực hành nghề”, nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới trong triển khai kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề; đồng thời, đón nhận các ý kiến đóng góp về định hướng và kế hoạch hội đồng sẽ triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Y khoa quốc gia, cho biết nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với việc là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam phải tuân thủ các hiệp định, trong đó có các quy định về dịch vụ y tế.
Mặt khác, cùng với việc tham gia cộng đồng chung ASEAN, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau, bao gồm cho phép chứng chỉ hành nghề y và nha khoa được cấp bởi các cơ quan chức năng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực.
Bác sĩ đang phẫu thuật cho người bệnh |
“Việt Nam cần phải có những quy định về cấp giấy phép hành nghề bảo đảm tương thích và phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để di chuyển thể nhân, cá nhân hành nghề của các nước đến Việt Nam tham gia hoạt động khám, chữa bệnh và ngược lại, người hành nghề của Việt Nam có thể ra nước ngoài hành nghề. Nhân lực khám, chữa bệnh của Việt Nam có thể hội nhập ngày càng nhiều với các nước trong khu vực cũng như thế giới”, GS-TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong quá trình xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ và Quốc hội đưa nội dung đánh giá năng lực hành nghề vào luật làm cơ sở cho việc xem xét cấp giấy phép hành nghề.
Cụ thể, tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Hội đồng Y khoa quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề cho 8 chức danh: Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y… bắt đầu từ năm 2027 đối với chức danh bác sĩ.
"Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp giấy phép hành nghề đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề khám bệnh chữa bệnh", PGS-TS Lương Ngọc Khuê thông tin và cho biết, qua tiến hành tổng quan kinh nghiệm của 23 nước trên thế giới, mô hình này được áp dụng tại đa số các nước chậm phát triển, đang phát triển, kể cả các quốc gia phát triển thuộc khối thịnh vượng chung.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thống kê của Bộ Y tế, trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã mở rộng đáng kể về số lượng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế; với 66 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, đã đào tạo ra trên 95.000 bác sĩ; trên 106.000 điều dưỡng.