Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại biến động nhiều như hiện nay, giá liên tục leo lên đỉnh, dự án mở bán ra sau giá cao hơn dự án trước. Dư luận chưa hết sốc vì đấu giá đất Thủ Thiêm thì ngay sau đó, một dự án nhà ở tại phường An Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) công bố giá bán 350 triệu đồng/m2 đã làm ngỡ ngàng tất cả những người am hiểu bất động sản.
Chưa dừng lại đó, mới đây ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, giá nhà ở xã hội (NƠXH) nay đã tăng rất cao, lên 20- 25 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ từ 1 tỷ đồng đến 1,6 tỷ đồng. Giá như vậy hẳn đã ngoài tầm với ngay cả đối tượng có thu nhập trung bình khá, còn người có thu nhập trung bình hoặc người nghèo làm sao mơ tới?
Chiếu theo các quy định của pháp luật, lẽ ra NƠXH sẽ có rất nhiều, nhờ hình thành từ 2 nguồn: đất công và dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, đất công rất hạn chế, trông cậy rất lớn từ các dự án nhà ở thương mại, thế nhưng kết quả hết sức khiêm tốn; vì quỹ nhà ít đã dẫn đến giá bán tăng vọt, đây chính là ẩn số cần “giải mã”!
Chủ trương NƠXH điều tiết từ quỹ nhà - đất của dự án nhà ở thương mại tại TPHCM hình thành rất sớm. 19 năm trước, thông qua chương trình “nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, lúc đó đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký ban hành Chỉ thị 07/2003 yêu cầu: “Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều phải dành từ 10% quỹ đất xây dựng nhà ở hoặc 20% quỹ nhà bán theo nguyên tắc bảo toàn vốn (có kiểm toán) cho Nhà nước…”.
Đối với cấp trung ương, từ năm 2009, Chính phủ ban hành Quyết định số 67, rồi Nghị định 71/2010; Nghị định 188/2013 quy định rõ, các dự án nhà ở thương mại có diện tích đất từ 10ha trở lên dành diện tích tối thiểu 20% làm NƠXH; chủ đầu tư các dự án BT, BOT có làm dự án nhà ở thương mại cũng phải thực hiện, nếu bàn giao quỹ đất NƠXH cho chính quyền thì được hoàn trả chi phí bồi thường, xây dựng hạ tầng... Đặc biệt, các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 còn quy định hết sức chi tiết vấn đề này.
Xuyên suốt các quy định trên, kết quả NƠXH tại TPHCM đã hình thành như thế nào? Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2015-2019, có 125.000 sản phẩm nhà ở thương mại mở bán; đối với NƠXH, giai đoạn 2016-2020, có 15.177 căn hộ được xây, chỉ đạt 75,89% so với kế hoạch. Số liệu này cho thấy, NƠXH chỉ là “bé hạt tiêu” so với nhà ở thương mại! Vì vậy, dư luận hết sức băn khoăn, lẽ ra với các quy định của pháp luật thì quỹ NƠXH sẽ tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của nhà ở thương mại, vì sao diễn tiến thực tế ngược lại? Thế thì những năm qua, hàng chục ngàn căn hộ mọc lên dọc tuyến metro số 1, những khu đại đô thị hình thành từ quận 9 (cũ), cũng như hàng loạt dự án nhà ở mọc lên từ Thủ Thiêm, có phần nào dành cho NƠXH?
Phải khẳng định, hiện nay lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt đối với NƠXH. Tháng 10 năm ngoái, khi vừa khống chế được đại dịch, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nói: “Có người hỏi tôi, khi kiểm soát được dịch bệnh thì điều đầu tiên làm là gì? Tôi trả lời là xây dựng NƠXH”. Dịp kỷ niệm lễ 30-4 vừa qua, thành phố khởi công xây dựng nhiều dự án NƠXH. Mới đây, thường trực HĐND TPHCM đã dành hẳn một buổi đối thoại về chủ trương này.
Nhưng để có một cái nhìn đầy đủ, giải pháp tổng thể về NƠXH rất cần có sự vào cuộc của HĐND TPHCM thông qua việc ban hành nghị quyết giám sát NƠXH. Nhờ đó sẽ biết rõ “nội tình” NƠXH, quỹ đất đang ở đâu, cần có chính sách, cơ chế gì tháo gỡ! Thật ra, điều này là việc làm thường xuyên của HĐND TPHCM, trước đây nhờ những nghị quyết giám sát đã giúp cho việc điều hành của thành phố sát hơn. Ví dụ, từ Nghị quyết 16/2012, hàng loạt bất cập trong quy hoạch được tháo gỡ, trong đó đáng chú ý là công bố xóa 180 dự án bị treo vào cuối năm 2018!
Đại dịch để lại bao tang thương mất mát, bên cạnh việc phục hồi kinh tế, chúng ta phải có trách nhiệm tái thiết lại đô thị, những khu dân cư lụp xụp sẽ thành những khu đô thị hiện đại, khang trang. Kỳ vọng từ giám sát, chúng ta sẽ có quỹ NƠXH dồi dào, chăm lo chỗ ở cho các thành phần yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau.