Cần có nghị quyết đặc thù phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
SGGPO
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết, TPHCM cần có giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Từ đó, đại biểu đề xuất HĐND TPHCM đề xuất với Quốc hội có nghị quyết đặc thù về phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại TPHCM.
Ngày 8-12, kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa X diễn ra với phần thảo luận của các đại biểu và chất vấn các sở ngành dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tham dự phiên họp sáng 8-12 có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Trong phần thảo luận, các đại biểu HĐND TPHCM đã nêu ra nhiều vấn đề, ý kiến liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, công tác truyền thông, nhà ở cho công nhân…
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, TPHCM cần có giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Từ đó, đại biểu đề xuất HĐND TPHCM đề xuất với Quốc hội có nghị quyết đặc thù về phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại TPHCM. Theo đại biểu, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không chỉ khám chữa bệnh mà còn đào tạo, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm, thiết bị y tế.
Theo đại biểu, TPHCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm nghiên cứu khoa học, kể cả khám chữa bệnh thì có một cơ chế đặc thù trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là hết sức cần thiết. Đây là động lực cho TPHCM phát triển không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn đối với các lĩnh vực khác như ngành du lịch, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, ngành hóa dược…
Gần 1,5 triệu tin bài đưa tin về TPHCM trong 2 tháng
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, trong hai tháng 10 và 11-2021, có gần 1,5 triệu tin bài về công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM trên không gian mạng Internet. Trong đó, thông tin tích cực chiếm 21,6%, tiêu cực chiếm 5,5%. Tỷ lệ thông tin tiêu cực như trên đã giảm nhiều so với thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4 là khoảng 15-20%.
Trong bối cảnh bùng nổ về ứng dụng công nghệ, hiện nay người dân TPHCM đang tiếp cận thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau, đa dạng cả về nội dung và hình thức. Do đó, thành phố sẽ tận dụng tất cả các kênh truyền thông truyền thống (như báo in, báo điện tử, truyền hình, đài phát thanh) và kênh truyền thông mới (như các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok…) để chuyển tải thông tin đến hai đối tượng chính là người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảng tin, tờ rơi, tờ gấp, xe phát thanh lưu động cũng vẫn có vai trò tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng khu vực, địa phương.
Đối với doanh nghiệp, TPHCM sẽ quan tâm đến cách thức cung cấp thông tin về chính sách, các giải pháp của chính quyền thành phố một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch; trong đó mạng Internet, các đường dây nóng rất cần được tận dụng triệt để; từ đó sẽ thể hiện được sự đồng hành của chính quyền thành phố với doanh nghiệp và tạo thêm niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền thành phố.
Trong thời gian tới, Sở TT-TT TPHCM sẽ tham mưu cho UBND TPHCM ban hành một kế hoạch tổng thể về công tác truyền thông cho kế hoạch điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022. Giám đốc Sở TT-TT TPHCM thông tin hai giải pháp lớn về định hướng nội dung và phương thức sử dụng các phương tiện truyền thông.
Giải quyết chỗ ở cho hơn nửa triệu công nhân
Thông tin về chương trình nhà ở của TPHCM, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, TPHCM ban hành kế hoạch chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó thành phố phấn đấu phát triển 366.510 căn nhà (khoảng 50 triệu m² sàn nhà, trong đó nhà ở xã hội chiếm 2,5 triệu m² sàn). Ngoài ra, để phục vụ công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, TPHCM phát triển thêm 612.000 m² sàn nhà ở phục vụ cho công nhân, người lao động.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, để phát triển nhà ở này, TPHCM rà soát 23 dự án có quỹ đất để điều tiết xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất ở các quận huyện ngoại thành gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để điều chỉnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Hiện nay Sở Xây dựng TPHCM đã trình TPHCM phương án chi tiết để nếu như triển khai được ở huyện Bình Chánh, thì nhân rộng ra ở TP Thủ Đức và một số nơi khác. Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM phấn đấu giải quyết được chỗ ở cho hơn 243.000 công nhân. Trong đó dự án nhà ở xã hội là 27.301 căn nhà (tương ứng 82.422 chỗ ở), nhà trọ do người dân tự xây là 40.000 căn nhà (tương ứng 160.000 chỗ ở).
Theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở tại TPHCM giai đoạn 2021-2030, TPHCM đang khẩn trương trình các đơn vị để thẩm định và trình HĐND TPHCM để thông qua sẽ giải quyết được chỗ ở cho 511.141 công nhân, người lao động (trong đó nhà ở xã hội chiếm 57.332 căn, tương ứng 175.144 chỗ ở). Đối nhà trọ do người dân, doanh nghiệp xây được 84.000 căn nhà trọ (tương 336.000 chỗ ở).
Các chính sách hỗ trợ nhà trọ hiện nay, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, các ngành đã phối hợp với TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát số nhà trọ. Đến nay đã thông kê có khoảng 60.000 chủ nhà trọ, tương 560.000 căn nhà trọ trên địa bàn TPHCM và được phân làm 2 nhóm. Nhóm 1, chiếm 60%, là căn phòng trọ độc lập, nhóm 2 là người dân xây thêm nhà trọ kết hợp nhà ở. Qua rà soát có 90% căn nhà trọ đảm bảo các tiêu chí để ở. Tuy nhiên, trong đó có đến 30% căn nhà trọ chưa đảm bảo tiêu chí về PCCC. Do đó, các ngành, địa phương thống nhất đề xuất với TPHCM có chính sách chung để hỗ trợ nhà trọ trên địa bàn thành phố.
Sau phần thảo luận, các đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Giám đốc Sở Y tế TPHCM và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM.