Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf, từ năm 1997, khi Nhà nước ban hành chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật đã tạo điều kiện cho nghệ sĩ và những người yêu thích sân khấu, nghệ thuật, sẵn sàng đóng góp để tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ công chúng.
Thế nhưng, nhiều năm qua, theo giới nghệ sĩ sân khấu, chưa có nhiều thay đổi trong chủ trương, chính sách mới hơn, tốt hơn để xây dựng nền móng sân khấu, phát huy được năng lực nghệ sĩ cũng cũng như phục vụ được nhiều đối tượng khán giả hơn.
Cũng theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, năm 2015, Luật Điện ảnh ra đời với nhiều quy định mới, tạo một không gian phát triển cho nền điện ảnh nước nhà. Riêng lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, mọi chuyện vẫn chưa thấy rục rịch.
“Từ sau năm 1975 tới nay, tất cả nghệ sĩ sân khấu, giới làm nghệ thuật TPHCM nói riêng và nghệ sĩ cả nước nói chung vẫn luôn cần một luật về nghệ thuật biểu diễn. May mắn đã có những chỉ đạo kịp thời và đổi mới của Đảng, Nhà nước phù hợp với từng thời kỳ nhưng cái chính là chúng tôi biểu diễn không có luật đi kèm, dẫn đến những bất cập theo thời gian càng ngày càng nhiều”, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, kiến nghị cần sớm ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, vì khi đã có luật rồi thì các bộ ngành sẽ có trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện các chính sách, thúc đẩy nền sân khấu nghệ thuật phát triển.
“Hãy cho chúng tôi một điều gì đó căn cơ hơn, để từ đó có những bước chuyển mạnh hơn, đúng hướng hơn cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn được phát triển theo yêu cầu phát triển của xã hội nói chung và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng nói riêng vốn ngày càng đòi hỏi cao”, bà Thúy kiến nghị.
Đây là một yêu cầu chính đáng, nhất là khi thị trường biểu diễn nghệ thuật ngày càng tồn tại nhiều “vật cản” trên con đường chuyên nghiệp hóa và nhìn xa hơn là trên tiến trình đưa nền văn hóa nghệ thuật hội nhập sâu rộng với quốc tế.