Cần có khung pháp lý đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự SCB

Chiều 15-1, thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng -TCTD (sửa đổi), nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề Ngân hàng Nhà nước xem xét, can thiệp sớm khi các tổ chức ngân hàng nước ngoài hoạt động rủi ro với khách hàng.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng), quy định này đã làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm.

Theo đại biểu, thay đổi này đã chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang trạng thái xử lý cụ thể. Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện TCTD thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi TCTD thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để TCTD đó quay trở lại hoạt động bình thường. Đây không phải là văn bản quyết định đặt TCTD vào can thiệp sớm. Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế, cùng thời hạn thực hiện các yêu cầu, hạn chế đó. Các yêu cầu, hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời gian thực hiện, khi các TCTD đã khắc phục được các vấn đề của mình, nên không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.

ĐB cho rằng, việc quy định như dự thảo luật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, tạo nguy cơ rủi ro rút tiền hàng loạt, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định này.

dai-bieu-la-thanh-tan-doan-dbqh-tp-hai-phong-1546.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng). Ảnh: QUANG PHÚC

Về quyết định can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, có ban hành văn bản hay không, ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội) thống nhất với ĐB Lã Thanh Tân là không nên đặt vấn đề ra quyết định và rút quyết định đó.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) quan tâm đến quy định xử lý các TCTD yếu kém. ĐB cho rằng, vấn đề hoảng loạn hay "tháo chạy" khỏi ngân hàng và đe dọa rủi ro lan truyền làm mất an toàn hệ thống thường xảy ra ở các ngân hàng thương mại. Khi có những sự cố như vậy xảy ra, thông lệ quốc tế tốt cũng như những bài học kinh nghiệm đắt giá của Việt Nam đều chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước các sự cố ngân hàng nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống.

dai-bieu-doan-thi-le-an-doan-dbqh-tinh-cao-bang-7374.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng. Cụ thể, theo dự thảo luật sau chỉnh lý, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này là nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các TCTD từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.

Tuy nhiên, ĐB cho rằng, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo vì điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15%-20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó.

ĐB Đoàn Thị Lê An phân tích, trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

“Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn là rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như SCB bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan. Cổ đông phải có hệ thống giám sát chéo, cần thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái”, ĐB Đoàn Thị Lê An đề nghị.

chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-vu-hong-thanh-1168.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình trước Quốc hội chiều 15-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, xử lý sở hữu chéo thao túng và chi phối của các TCTD là vấn đề rất quan trọng, cần phải tiến hành các biện pháp đảm bảo thống nhất xuyên suốt và tiến hành đồng bộ. Về can thiệp sớm, dự thảo luật đã chỉnh lý, tiếp thu so với kỳ họp thứ 6, trong đó, đã bổ sung cơ chế xem xét, quyết định; một số trường hợp giao quyền chủ động cho Ngân hàng Nhà nước.

Về vấn đề có cần văn bản của Ngân hàng nhà nước quyết định chấm dứt can thiệp sớm như ĐB băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐB, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục cân nhắc để đảm bảo hài hòa các mối quan hệ giữa các chủ thể…

Tin cùng chuyên mục