Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giá đất cần được xác định trên cơ sở khả năng sinh lời của thửa đất đó đối với mục đích sử dụng xác định. Mỗi thửa đất, loại đất có khả năng sinh lời khác nhau, trong đó có những loại đất phục vụ cộng đồng khả năng sinh lời rất thấp. Việc điều chỉnh bảng giá đất có biên độ tăng cao như hiện nay đã và sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm khi tiền thuê đất tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị các cơ quan quản lý cần hướng dẫn các địa phương quy định cụ thể, chi tiết hơn về giá của từng loại đất theo nguyên tắc "bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư", phù hợp với khả năng sinh lời của đất đai thay vì gộp chung các loại đất để áp một mức giá chung. Với các loại đất không tạo ra giá trị sinh lời cao, hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn, thậm chí phải xem xét giảm, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, cần phải có các quy định cụ thể về mức thu tiền sử dụng đất tương ứng với từng loại đất, đặc biệt là đất sử dụng cho mục đích giáo dục đào tạo, y tế, thể thao. Chính phủ đã ban hành cơ bản các nghị định thi hành Luật Đất đai vào cuối tháng 7-2024, nhưng vẫn còn nhiều thông tư và quy định của cấp tỉnh chưa được hoàn thiện, điều này gây khó khăn cho việc thực hiện luật một cách đồng bộ và hiệu quả.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, Bộ TN-MT cần quan tâm, điều hành và hướng dẫn tập huấn cho các địa phương, để từ đó các địa phương có thể ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra việc thực hiện các văn bản này để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai các quy định của pháp luật về đất đai.
PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị, các địa phương cần phải có một thiết kế tổng thể về phân bổ vùng giá đất để xây dựng bản đồ giá đất trên thực tế; khắc phục tình trạng cào bằng trong các phân vùng, phân khu trong quy định giá đất; xây dựng các chỉ số có trọng số và sát với thực tế.
Hiện việc công bố bảng giá đất đã được phân cấp cho chính quyền địa phương, vì vậy các địa phương cần tiếp cận đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, khả thi và có chế tài công tác xây dựng bảng giá đất, để không chỉ được sử dụng đến 31-12-2025 mà sẽ được công bố vào đầu tháng 1 hàng năm.