Những game được tích hợp vào các mạng xã hội đã và đang giúp các trang này thu hút một lượng lớn người sử dụng web. Theo báo cáo mới nhất (từ Gamasutra), có hơn 200 triệu người chơi game trên facebook mỗi tháng, chiếm trên 40% số lượng người truy cập. Google+ - một mạng xã hội còn non trẻ cũng vừa ra mắt ứng dụng game để tăng số lượng thành viên. Các mạng xã hội Việt như Zing me, tamtay, go… đã nhập cuộc cạnh tranh với facebook khi không ngừng ra mắt các game mới ngày càng phong phú, đậm chất Việt hơn.
Điểm chung của các game này là cách chơi đơn giản, hình ảnh bắt mắt, không yêu cầu máy cấu hình mạnh, tính tương tác cao, lại đánh trúng thị hiếu người chơi thích nhanh chóng thu được thành quả “lao động” từ việc trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc thú cưng, xây dựng thành phố, kinh doanh… mà không mấy vất vả.
Game gọn nhẹ, chơi trực tiếp trên web không cần cài đặt nên từ máy tính, laptop, netbook đến máy tính bảng, điện thoại di động đều chạy game dễ dàng - chỉ cần kết nối internet. Từ đó dẫn đến một bộ phận giới trẻ chơi những game này mọi lúc mọi nơi, từ nhà riêng, trường học, công sở đến trên máy bay, tàu xe... vừa làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mình vừa gây khó chịu cho những người xung quanh.
Đáng ngại là người dùng khó ý thức được họ đã bỏ ra bao nhiêu thời gian cho loại game này khi mà khác với các game online thuần túy như Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế… khiến người chơi ngồi bên máy tính suốt 3, 4 tiếng đồng hồ liên tục hoặc hơn.
Một game trên mạng xã hội chỉ lấy của người chơi khoảng 30 phút mỗi lần vào, nhưng cứ từ 2 đến 4 tiếng lại phải vào một lần để “thu hoạch”, tính ra một ngày họ mất từ 90 đến 210 phút (giả sử một ngày là từ 7 đến 22 giờ), chưa kể họ luôn bị xao nhãng, mất tập trung vào cuộc sống thực vì phải canh giờ “thu hoạch” trong cuộc sống ảo.
Một số bạn còn chơi 2, 3 trò như thế cùng lúc. Nhưng đó vẫn là chơi có chừng mực, còn lại không ít bạn thường ăn ngủ cùng game, đôi khi “người chưa được ăn mà đã phải vào game cho cá ăn” (theo một bạn chơi myFish - Zing me).
Cần thấy rằng với sự liên kết sâu rộng giữa những người chơi với nhau và với nhà phát hành game, tính cạnh tranh, “đua top” của những game này không hề thua kém loại game online đang bị xã hội phê phán. Để gây ấn tượng, một số người không tiếc tiền nạp thẻ, bỏ nhiều thời gian đi nhặt tiền, trộm đồ nhà hàng xóm, thức khuya dậy sớm và cả thức đêm để chăm sóc những cái cây ảo, những con vật ảo.
Vì chạy theo lợi nhuận, một số mạng xã hội đã tổ chức những cuộc thi như: đua top level nhận ipad 2 (Khu vườn thần tiên - go.vn), đua top kỹ năng lai cá nhận 10.000 zing xu (myFish - me.zing.vn)… Để chiến thắng, người chơi phải bỏ nhiều tiền vào game hoặc ngồi chơi gần như cả ngày, lượng người tham gia vào những cuộc đua này không ít. Rất cần có một điểm dừng để những game đơn giản, nhẹ nhàng này thực sự là một trò chơi giải trí?
NGUYỄN NGỌC THY THY
(SV Đại học KHXH-NV TPHCM)