Ngày 27-10, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật TPHCM trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 549).
Theo quyết định của Thủ tướng, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM là 2 cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất cả nước, được đầu tư xây dựng thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Cụ thể là có đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị đại học tiên tiến… nhằm góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.
Tổng quan về việc thực hiện Đề án 549 tại Trường Đại học Luật TPHCM, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TPHCM, cho hay, qua 7 năm thực hiện, quy mô và chất lượng đào tạo của đại học hệ chính quy có sự gia tăng đáng kể. Các trường đại học nước ngoài trường liên kết ngày càng tăng lên về số lượng. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, năng lực ngoại ngữ tốt, tiếp cận kiến thức khoa học pháp lý hiện đại, cập nhật nhanh. Cơ sở vật chất của trường đang từng bước mở rộng, với cơ sở Bình Triệu (đưa vào hoạt động năm 2014) và cơ sở Long Bình - quận 9 (dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022).
Tuy nhiên, trường đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong hoạt động đào tạo, việc thực hiện nhiệm vụ mở thêm một số ngành hoặc chuyên ngành đào tạo mới trong các lĩnh vực (Sở hữu trí tuệ, Kinh tế học pháp luật, Sư phạm luật, Chính trị học, Quan hệ quốc tế, Hành chính học,…) chưa được thực hiện tốt. Việc tuyển sinh, quy mô đào tạo trình độ đại học ngành luật hình thức chính quy văn bằng 2 đang có dấu hiệu chững lại.
Đặc biệt, có sự thiếu đồng nhất giữa trọng trách được giao theo Quyết định 549/QĐ-TTg với cơ chế quản lý của bộ chủ quản. Trên thực tế trường không nhận được sự hỗ trợ nào về chỉ tiêu đào tạo, cơ chế đào tạo cán bộ tư pháp trên cơ sở quyết định này. Trường sử dụng chỉ tiêu của trường để thực hiện trách nhiệm đào tạo cán bộ tư pháp cho các địa phương, thực hiện đào tạo xen kẽ tại địa phương và tại trụ sở chính của trường. Tuy nhiên, Bộ chủ quản vẫn kết luận: Cách vận dụng pháp luật như vậy là sai vì phải đào tạo tại trụ sở chính.
Mặc dù nhà trường đã có văn bản lý giải đặc thù các môn học luật, đặc thù người học (rất khó được nghỉ làm để đi học) và các biện pháp trường sẽ thực hiện để đảm bảo chất lượng nhưng vẫn không được chấp nhận. “Đây là nút thắt vô hiệu hóa chính sách, trọng trách về đào tạo cán bộ tư pháp của Quyết định 549/QĐ-TTg”, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm chỉ rõ.
Thực hiện đề án theo phương thức mới, tư duy mới
Về tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học pháp lý, thực tế, tỷ lệ bài báo trên tổng số giảng viên còn thấp và không phải tất cả giảng viên cơ hữu của trường đều từng có bài đăng trên tạp chí khoa học. Việc phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu chung giữa giảng viên của trường và đối tác nước ngoài có nhiều hạn chế, chủ yếu là do chưa tìm được nhiều tiếng nói chung giữa các vấn đề pháp lý của Việt Nam và nước ngoài.
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm đề nghị, sau khi kết thúc Đề án giai đoạn 2013-2020, trường tiếp tục cùng Trường Đại học Luật Hà Nội tiến hành lộ trình 10 năm tiếp theo (2020-2030), tiếp tục triển khai đề án theo phương thức mới. Việc sửa đổi, bổ sung Đề án phải mang tư duy mới hơn: tự chủ và phù hợp với Luật Giáo dục Đại học cũng như Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Chỉ tiêu đặt ra phải cụ thể, thực tế, cần đặt ra vấn đề đặc thù cho hai trường trọng điểm.
Theo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, những khó khăn, vướng mắc hiện nay làm giảm tính tự chủ và không khuyến khích được các trường tự chủ tài chính sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình cho đầu tư phát triển vào cơ sở vật chất, trang thiết bị để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Vũ Văn Nhiêm đề nghị Bộ GD-ĐT cần cho áp dụng cơ chế phù hợp với đặc thù của trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, đặc biệt là trong vấn đề xác định chỉ tiêu tuyển sinh và liên kết đào tạo.
Về định hướng trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, Thạc sĩ Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho rằng, khi gia hạn đề án, nhà trường cần xác định lại đối tượng “cán bộ về pháp luật” để phù hợp với đối tượng hướng đến là đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, bổ sung nội dung về sinh viên trong đề án, các báo cáo đánh giá về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, và chú trọng đào tạo về kỹ năng cho sinh viên.
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ, điểm nổi bật khi thực hiện Đề án 549 là đề án không đề cập đến mục tiêu kiểm định chất lượng, nhưng 2 trường (Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM), đã chủ động thực hiện được việc kiểm định cơ sở đào tạo từ năm 2017 và tiến tới việc kiểm định chương trình đào tạo.
Về quy mô đào tạo, theo TS. Chu Mạnh Hùng, việc tăng số lượng sinh viên không khó nhưng mục tiêu kiểm soát chất lượng đào tạo là cốt lõi của hai trường. Tuy số lượng công trình nghiên cứu khoa học còn hạn chế nhưng điều đạt được là hình thành tư duy về nghiên cứu khoa học trong giảng viên và người học.
TS. Chu Mạnh Hùng đồng thuận với mục tiêu cùng Trường Đại học Luật TPHCM tiếp tục thực hiện Đề án 549. Đồng thời, TS. Chu Mạnh Hùng đề nghị, 2 trường cần có chủ trương rõ ràng trong việc hợp tác thực hiện đề án trong thời gian tới.
Trong 7 năm (từ năm học 2013-2014 đến năm học 2019-2020), Trường Đại học Luật TPHCM đã tuyển sinh và đào tạo được gần 28.700 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Trong đó, có hơn 15.100 sinh viên trình độ đại học hệ chính quy; hơn 10.800 sinh viên trình độ đại học hệ vừa học vừa làm; hơn 2.600 thạc sĩ và 91 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hàng năm, trường tuyển khoảng 300-330 sinh viên vào học tại các lớp theo chương trình chất lượng cao bằng hình thức sơ tuyển trình độ tiếng Anh từ những sinh viên đã trúng tuyển vào trường và nhập học theo đúng ngành đã đăng ký xét tuyển. |