ĐBQH, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức kỳ vọng Bộ Y tế có cơ chế cụ thể, chi tiết, hướng dẫn trong vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế. Đồng thời, có các giải pháp nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở với tình hình hiện tại chứ không chờ phải có ngân sách, thời gian mà phải bắt tay vào ngay.
“Theo tôi cần luân chuyển cán bộ của tuyến Trung ương, tuyến tỉnh về trạm y tế xã và luân chuyển cán bộ từ trạm y tế xã lên tuyến tỉnh, Trung ương để họ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Và các cán bộ tuyến tỉnh, Trung ương hiểu được đồng nghiệp tại cơ sở có những khó khăn gì để nhanh chóng giảm khoảng cách chuyên môn giữa tuyến xã với tuyến tỉnh và Trung ương nhanh nhất để phục vụ người bệnh”, ĐB Nguyễn Tri Thức đề xuất.
Về giá xét nghiệm Covid-19, ĐB Nguyễn Tri Thức thống nhất cao với ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo ĐB Nguyễn Tri Thức, từ thực tiễn, trong giai đoạn đầu, nguồn sinh phẩm từ nhiều nguồn khác nhau; trong giai đoạn dịch bùng phát rất nhiều nước và nhiều nơi tranh nhau để mua. Do đó, có khi mình mua cũng không có và trong thời điểm cấp bách nên khó đổ lỗi cho ai. Tuy nhiên, sau này Bộ Y tế có nhiều văn bản chỉ đạo về việc thu giá xét nghiệm. Cho đến thời điểm này, giá xét nghiệm tương đối thống nhất theo thực thanh, thực chi.
“Tôi nghĩ từ nay về sau chắc chắn trong các bệnh viện công lập giá xét nghiệm sẽ thống nhất theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đối với các bệnh viện tư có cơ chế thu chi tài chính riêng, sắp tới Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự thống nhất tương đối giữa công và tư”, ĐB Nguyễn Tri Thức khẳng định.
Liên quan đến các vụ việc sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế xảy ra vừa qua ở một số bệnh viện, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng, đây là những sự cố đáng tiếc.
Theo ĐB Nguyễn Tri Thức, những sai phạm này mang tính cá nhân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khi tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đều có chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề nên nhìn một cách khách quan và đa chiều. Cụ thể, về cá nhân vi phạm là rõ rồi, nhưng chúng ta cũng xem lại về mặt cơ chế. Vấn đề cơ chế ở đây là phải quy định thật sự chi tiết để người muốn làm sai không thể nào làm được.
Vì vậy, ĐB Nguyễn Tri Thức đề xuất nên có quy định riêng về mua sắm các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, hóa chất. Bởi vì, mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với các mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu người bệnh, vì mô hình bệnh tật, vì có những bệnh rất hiếm và rất lâu mới gặp một lần.
“Theo tôi cần có cơ chế đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế và thực sự chi tiết để hạn chế tối đa tiêu cực và đảm bảo cấp cứu người bệnh kịp thời”, ĐB Nguyễn Tri Thức mong muốn.
Cũng theo ĐB Nguyễn Tri Thức, về xã hội hóa y tế là rất cần thiết giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, để tránh xảy ra các sai phạm như thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn thêm về cơ chế xã hội hóa y tế để tránh nâng giá thiết bị; tránh bắt tay nhau kéo dài thời gian liên kết không phù hợp; tránh bắt tay trong chia tỷ lệ để lạm thu người bệnh.
Trao đổi với báo chí về vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho biết, những sự việc xảy ra vừa qua đối với cán bộ ở một số bệnh viện là vô cùng đáng tiếc.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan phân tích, lý do đầu tiên là những sai phạm này thuộc về cá nhân, chứ không phải phổ biến trong ngành y tế. Do đó, sai phạm tới đâu cơ quan chức năng sẽ xử lý tới đó, nhưng hiện nay tòa án chưa xử và kết luận ai là người có tội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lại thể chế, cơ chế, môi trường có thuận lợi để cho cán bộ làm đúng hay không. Nếu sai lầm do chủ quan, bản thân cán bộ tiêu cực, ham muốn tiền bạc thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng chúng ta cũng không loại trừ có những sai lầm do Luật, quy định chồng chéo nhau và trong một chừng mực nào đó khi cá nhân chịu sức ép phải làm nhanh, làm gấp, phải có kết quả để có phương tiện cứu bệnh nhân dẫn đến chủ quan, bỏ qua các bước dẫn đến sai lầm mà họ không ý thức được. Đây là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại và vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề đặt ra chính sách.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay trong quản lý về trang thiết bị vật tư y tế hầu như để cho bệnh viện tự bơi, chỉ có mỗi Luật Đấu thầu mà Luật thì chung cho các lĩnh vực. Trong khi đó, đặc thù của máy móc, trang thiết bị y tế sử dụng trong ngành y rất phức tạp. Còn các công ty đấu thầu do bây giờ có nhiều đối thủ cạnh tranh, ai cũng muốn đã làm công ty thì phải có lợi nhuận. Cho nên, không loại trừ họ có những mánh khóe đẩy giá trang thiết bị lên.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, lẽ ra với thời đại thông tin hiện nay, lực lượng các đại sứ quán, tùy viên thương mại nên có bộ phận chuyên nghiệp ở Bộ Y tế để lo về tài chính. Từ đó, tổng hợp các dữ liệu, cũng như vấn đề mua sắm trang thiết bị trong toàn quốc để đưa lên bảng tổng hợp chung với giá trần bao nhiêu, giá sàn bao nhiêu. Khi đó, nếu ai có ý định vi phạm, công ty muốn thổi giá lên nhìn thấy bảng tổng hợp chung này sẽ chùng lại.
“Khi rạch ròi và có cơ chế về quản lý phải đấu thầu thì chúng ta quản lý được về giá”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đối với trang thiết bị, máy móc rất phức tạp. Bởi vì, giá trị của cái máy không nằm ở lúc mua máy về bao nhiêu tiền mà cơ chế hậu mãi, thay đổi những chi tiết khi máy hư thì tiền sửa bao nhiêu… có rất nhiều vấn đề trong đó.
“Nếu những vấn đề đó không được các cơ quan chức năng tập hợp để giúp các bệnh viện thì trong tương lai lại có những cái sai. Còn nếu không nhiều bệnh viện chọn cách lựa chọn không mua trang thiết bị dẫn đến không có phương tiện khám chữa bệnh cho người dân, kỹ thuật tụt hậu thì người chịu ảnh hưởng chính là nhân dân”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.