Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM trong lĩnh vực y tế.
Theo Sở Y tế, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 128 bệnh viện đang hoạt động, với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân. Nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh cho khu vực và so sánh với chỉ số giường bệnh tại các nước phát triển thì chỉ số giường bệnh của thành phố vẫn còn thấp.
Một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố gặp khó khăn trong phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng quá chật hẹp, xuống cấp, nguồn kinh phí hạn hẹp.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao cho TPHCM tại Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN”, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách cho y tế, Sở Y tế TPHCM kiến nghị được quyền quyết định một số cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao.
Cụ thể cần có cơ chế, chính sách để thành phố giao đất để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa hiện đang quá tải tại các bệnh viện công lập như: chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng, ... với qui mô từ 300-500 giường/bệnh viện.
Đặc biệt, đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao” cũng cần kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư để sớm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân trong khu vực. Ngoài ra, theo nhu cầu phát triển xã hội, TPHCM cũng cần xây dựng thêm nhiều khu dưỡng lão phức hợp chăm sóc điều trị cho người cao tuổi, những trung tâm phục hồi chức năng bằng công nghệ cao… Cần có cơ chế, chính sách để thành phố triển khai hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện việc thành lập thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để vừa góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện này, vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, vừa tạo thêm nguồn thu cho các bệnh viện công lập và giữ chân các bác sĩ giỏi là một giải pháp khả thi.
“Với yêu cầu này, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì cần huy động tư nhân tham gia với hình thức hợp tác công tư (tư nhân xây dựng cơ sở mới tại một vị trí khác (cơ sở 2), bệnh viện công cung cấp nhân sự chuyên môn và cả thương hiệu bệnh viện) và mong muốn được quyền quy định một số cơ chế, chính sách theo loại hình hợp tác này”, Sở Y tế TPHCM kiến nghị.
Đồng thời mong muốn, thành phố cần nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) từ nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh (tương tự mô hình tại Qatar, tư nhân xây dựng bệnh viện nhưng toàn bộ nhân viên chuyên môn là từ Cuba đến làm việc).