Ngày 4-11, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm về xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp Việt Nam để khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cuộc tọa đàm đã chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực để doanh nghiệp có thể phát huy sức mạnh của mình trong thị trường quốc tế.
Ký kết nhiều FTA nhưng ưu thế không kéo dài mãi
Theo đại diện Bộ Công thương, trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA quan trọng, tạo ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, ưu thế này không còn kéo dài mãi. Các quốc gia ngày càng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh. “Chúng ta cần xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ riêng cho các FTA", ông Khanh nhấn mạnh, đồng thời đề xuất cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ cho từng hiệp định cụ thể.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), cũng đề nghị doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về thị trường và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Theo bà, việc lãnh đạo doanh nghiệp phải sát sao với các hoạt động cốt lõi và sống còn của doanh nghiệp là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Một trong điểm nhấn của tọa đàm là xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Ông Ngô Chung Khanh cho biết, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để thiết kế một nền tảng kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị, từ nông dân sản xuất đến doanh nghiệp chế biến, cùng với các tổ chức tín dụng và logistics. “Chúng tôi dự kiến sẽ tập trung vào 6 ngành chủ lực gồm: dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, quế và điều”, ông Khanh nói.
Bà Thủy cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. “Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình như chuyển đổi số. Nếu không có sự tham gia của lãnh đạo, chúng tôi khó có thể đạt được kết quả như mong đợi”.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, cần phải làm nhanh chóng để tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa, giúp họ phát triển mạnh mẽ và dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Cần có những chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp này, bởi họ không chỉ đóng góp vào ngân sách mà còn giải quyết việc làm cho người dân”.
Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp
Một trong những yếu tố quan trọng để chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thành công là sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành và hiệp hội. Ông Khanh khẳng định, việc phối hợp giữa các bên liên quan sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Chúng tôi rất kỳ vọng rằng hệ sinh thái sẽ được hình thành và đi vào hoạt động vào tháng 9-2025”, ông Khanh cho biết, Bộ Công thương thể hiện quyết tâm cao trong việc hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ.
Bà Thủy cũng đề xuất, các doanh nghiệp cần phải có một cơ sở dữ liệu rõ ràng để đánh giá và thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. “Không thể áp dụng chính sách chung cho tất cả doanh nghiệp mà cần phải có sự phân loại rõ ràng để hỗ trợ hiệu quả hơn”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, Chính phủ đã đặt ra các chủ trương cụ thể nhằm xây dựng một hệ sinh thái kết nối toàn diện giữa các bên liên quan. Theo ông Ngô Chung Khanh, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội để thiết kế các chương trình hỗ trợ cụ thể cho từng hiệp định, tập trung vào các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, quế và điều.
Bà Bùi Thu Thủy cũng đề xuất nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các cấp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại và chuyển đổi số. Chính phủ cam kết sẽ rà soát và điều chỉnh các chính sách hiện có để phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
"Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA, kết nối tất cả các chủ thể từ chuỗi giá trị - từ người nông dân, doanh nghiệp thu mua, công ty chế biến đến các tổ chức tín dụng và logistics, giúp tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của các bên liên quan", ông Ngô Chung Khanh nói.