Tại hội thảo, GS Vasco Cruz (Đại học Evora) đã đưa ra 2 khái niệm mới đối với ngành chăn nuôi ở Việt Nam, đó là “kinh tế tuần hoàn” và “quyền lợi động vật”.
Ông giải thích, “quyền lợi động vật” đã có ở châu Âu từ 40 đến 50 năm trước; được thực hiện ở các nông trại, áp dụng để quản lý động vật, vật nuôi. Con người đề ra những phương pháp để động vật tuân thủ theo và nhận được nhiều lợi ích từ đó. Động vật sẽ được chăm sóc ở một điều kiện tự nhiên, được hưởng đầy đủ các quyền lợi, đặc ân, được sống thoải mái, hạnh phúc… Xu hướng bây giờ ở châu Âu, người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm ngon, tự nhiên từ động vật được hưởng các quyền lợi đầy đủ.
PGS-TS Trần Sáng Tạo (Đại học Nông Lâm Huế) cho biết, động vật trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam đang bị đối xử không đúng mức. Ngược lại, ở các nước châu Âu, sản phẩm từ chăn nuôi phải được kiểm duyệt kỹ lưỡng, được chứng nhận hưởng đầy đủ các phúc lợi thì mới cho xuất khẩu, tiêu thụ.
Việt Nam nếu muốn vực dậy ngành chăn nuôi, hướng đến các thị trường lớn trên thế giới và châu Âu để thoát khỏi sự ràng buộc với thị trường Trung Quốc, thì cần phải đưa chính sách “phúc lợi” động vật vào áp dụng trong quản lý nhà nước và giảng dạy trong các trường học, nhất là hệ đại học.