Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 từ Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành.
Báo cáo cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong cơ sở GD-ĐT, nhưng thực tế vào đầu năm học, một số trường học đưa danh mục bộ SGK có sự không rõ ràng giữa SGK và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá SGK nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân. Báo cáo đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp thống nhất nội dung SGK và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành SGK.
Ngành giáo dục đang triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới |
Việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này phát sinh những bất cập: gây lãng phí, tốn kém khi một bộ SGK không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng SGK và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.
Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập. Việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này.
Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.
Đối với chương trình lớp 10 chọn theo phân ban, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn vì nếu sau một thời gian học, việc thay đổi phân ban cho các em nếu chọn sai các môn học thì sẽ phải bổ sung chương trình cả 1 năm học để bù lại.
Bên cạnh đó, theo chương trình phân ban mới, việc chọn trường để xét tuyển đại học cũng sẽ gặp khó khăn do việc chia phân ban đôi lúc chưa phù hợp với các ngành nghề tại các trường đại học.
Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.
Về xã hội hóa biên soạn SGK, nhiều ý kiến cho rằng, việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn, phát hành nhiều bộ SGK gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn bộ sách theo yêu cầu của nhà trường, ảnh hưởng đến các học sinh chuyển trường khi các trường giảng dạy theo các bộ sách khác nhau. Giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi phải thay đổi cách dạy cho phù hợp.
Về giá SGK và in ấn, phát hành SGK, người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá SGK còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2-3 lần so với giá sách những năm trước, nên ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT, làm bức xúc trong dư luận.
Về các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, báo cáo nêu rõ, đội ngũ nhà giáo còn thiếu. Việc bố trí, sử dụng giáo viên dạy các môn “tích hợp”, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS năm 2018 gặp khó khăn do giáo viên các môn (Hóa học, Sinh học, Vật lý) chưa được bồi dưỡng để giảng dạy “tích hợp”…
Từ thực tế đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí; đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tại một địa phương, một số cơ sở giáo dục; Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương; Bộ GD-ĐT đổi mới thành phần của hội đồng biên soạn chương trình và SGK để đưa những người có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp vào hội đồng (thành viên hội đồng không nhất thiết là giáo sư hay nhà quản lý).