Cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”

Sáng 26-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quốc hội sáng 26-6. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội sáng 26-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các đại biểu (ĐB) đều nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thời gian qua và tạo hành lang pháp lý kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Các ý kiến tập trung thảo luận về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; các chính sách phát triển di sản văn hóa; khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Qũy bảo tồn di sản văn hóa…

Về cấp độ, tiêu chí xếp hạng và hình thức xếp hạng di tích, ĐB Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho rằng, về cơ bản, dự luật vẫn kế thừa việc xếp hạng di tích được xếp hạng trong phạm vi quốc gia thành: di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, dự án luật còn có thêm quy định về cấp độ, tiêu chí và hình thức công nhận di sản thế giới của UNESCO. Cơ bản tán thành cách xếp hạng di tích này, tuy nhiên, ĐB cho rằng, việc xếp hạng theo tiêu chí xếp hạng như dự luật hiện nay sẽ khó khăn trong công tác xếp hạng đặc biệt là với loại hình di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích khảo cổ hoặc di tích hỗn hợp. Nguyên nhân là tiêu chí để xếp hạng với những loại di tích này không rõ ràng để xác định và xếp hạng cho đúng là di tích cấp tỉnh, quốc gia hay quốc gia đặc biệt.

“Do đó, nếu vẫn giữ cách quy định xếp hạng trong dự luật hiện nay thì cần xác định rõ các tiêu chí xếp hạng đúng với các loại di tích kể trên. Hoặc bổ sung giao Chính phủ, hoặc Bộ VH-TT-DL quy định tiêu chuẩn cụ thể cho các tiêu chí để xếp hạng”, ĐB Trần Thị Thu Đông đề xuất.

Đại biểu Trần Thị Vân - Bắc Ninh.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân - Bắc Ninh. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) và một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung đối với quy định về các chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Bởi nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, từ khi luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này. ĐB cũng cho rằng, chế độ hỗ trợ mai táng đối với nghệ nhân khi qua đời là cần thiết nhằm ghi nhận, công lao, đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân đối với các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, ĐB Trần Thị Vân cũng đề nghị bổ sung thêm “nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách cùng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - ĐNinh Bình.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đáng chú ý, liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa trong dự thảo luật, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị nghiên cứu xem xét một số vấn đề hiện đang có những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn.

Dự thảo luật quy định, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới, hoặc điều chỉnh chủ trương dự án chuyển tiếp trong vùng lõi, vùng đệm của di sản văn hóa thế giới (bao gồm cả những dự án có quy mô nhỏ mang tính chất phục vụ, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy các giá trị di sản, cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương) đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

ĐB Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, nội dung quy định này khi triển khai thực hiện trong thực tiễn sẽ khó khăn, vì phần lớn các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp; việc quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ làm tăng thủ tục hành chính và kéo dài thủ tục pháp lý.

Đối với việc xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản, ĐB Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trong địa bàn địa phương, bộ, ngành Trung ương. Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới; phần nội dung thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì nên phân cấp lại cho địa phương.

Trong khi đó ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện tại, nhiều khu di tích lịch sử văn hóa đang bị các hộ dân lấn, chiếm và nếu chỉ cần sự ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở VH-TT-DL thì được xây dựng sẽ khiến ngày càng nhiều khu di tích bị lấn, chiếm. ĐB đề nghị những nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực bảo vệ I thì cấm không được xây mới, chỉ được cải tạo chống xuống cấp và chính quyền địa phương các cấp phải có phương án di dời dân để trả lại đất cho di tích.

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện -Điện Biên.jpg
Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đáng chú ý, ĐB Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) đề nghị Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.

Tin cùng chuyên mục