Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (VTHKCC) kế hoạch khối lượng hành khách của năm 2017 là 600 triệu lượt hành khách. Trong đó, kế hoạch khối lượng vận chuyển của các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá là 244 triệu lượt hành khách.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 272,8 triệu lượt hành khách đạt 45,4% so với kế hoạch đề ra trong năm 2017 (600 triệu lượt hành khách). So với cùng kỳ năm 2016, khối lượng VTHKCC thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 2,6%.
Hành khách đi xe buýt tại TPHCM
Trong đó, đối với các tuyến xe buýt có trợ giá ước đạt 109,2 triệu lượt hành khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016 và đat 44,8% so với kế hoạch năm 2017 (kể hoạch cả năm 2017 là 244 triệu lượt hành khách); trung bình mỗi ngày vận chuyển được gần 607.000 lượt hành khách/ngày.
Hiện trên toàn TP có 145 tuyến xe buýt, trong đó có 105 tuyến xe buýt có trợ giá và 40 tuyến xe buýt không trợ giá, do 22 doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải đảm nhận (tuyến có trợ giá do 13 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đảm nhận); cơ bản phủ khắp các trục đường chính, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện TPHCM có 2.586 xe buýt tham gia hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Trong đó, có 299 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 2.266 xe buýt sử dụng dầu diesel và 21 xe buýt sử dụng xăng.
Tổng kinh phí trợ giá xe buýt, vận chuyền học sinh, sinh viên và công nhân được giao năm 2017 là 1.000 tỷ đồng. 11 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư 970 xe buýt mới hoat động trên 53 tuyến xe buýt có trợ giá. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động xe buýt thông qua hệ thống GPS, camera, tổng đài 1022 nhằm giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bằng xe buýt và kịp thời xử lý các tình huống đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dân đi xe buýt.
Tuy nhiên, hành khách đi lại bằng xe buýt 6 tháng đầu năm 2017 thấp hơn so với kế hoạch năm 2017 (đạt 44,8%). Nguyên nhân, do xe xuống cấp, công tác đầu tư phương tiện mới thay thế trên các tuyến chậm do khó khăn trong việc đầu tư các trạm khí CNG nên chưa thu hút người dân sử dụng xe buýt.
Chất lượng dịch vụ tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Mạng lưới tuyến chưa dược quy hoạch bài bản, việc mở mới các tuyến xe buýt có trợ giá còn chậm. Hạ tầng cho hoạt động xe buýt (bến bãi, trạm dừng, nhà chờ) còn thiếu. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, phương tiện cơ giới cá nhân tiếp tục tăng nhanh...
Việc đầu tư xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên, nâng cao chất lượng phục vụ đã thu hút hành khách đi xe buýt.
Nhằm chấn chỉnh những vấn đề này, Giám đốc Trung tâm VTHKCC Trần Chí Trung cho rằng, trung tâm tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kinh phí trợ giá hợp lý theo đúng quỵ định để đảm bảo cho các doanh nghiệp vận tải tiếp tục đảm nhận hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá và thực hiện chủ trương đầu tư thay thế xe buýt mới. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các bến bãi, hạ tầng phục vụ xe buýt. Triển khai làn dành riêng và ưu tiên cho xe buýt hoạt động.
Tại buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động xe buýt kiến nghị, Sở GTVT TP cần sớm ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, vận chuyển học sinh, sinh viên và công nhân; có cơ chế ưu đãi để đầu tư thay mới xe buýt sử dụng CNG, xây dựng các trạm nạp ga; trợ giá năm tới không thấp hơn so với năm nay; giãn thời gian đối với xe sắp hết hạn đến năm 2019...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quan Lâm cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà các đơn vị đã nêu, trong đó 2 vấn đề quan trọng là cơ chế đầu tư thay thế xe mới, trợ giá.
Riêng đối với hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên, Sở sẽ báo cáo UBND TP xin chủ trương hỗ trợ đầu tư phương tiện và trợ giá mới phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn để đảm bảo đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 15-20% học sinh, sinh viên tại các trường sử dụng xe buýt đi lại.