Cần cơ chế thu hồi vốn cho Quỹ Nhà ở quốc gia

Để hoàn thành mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan quản lý cần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ Nhà ở quốc gia và thu hút doanh nghiệp đầu tư hợp lý hơn.

Sáp nhập địa phương không ảnh hưởng đến phát triển nhà ở xã hội

Tại cuộc tọa đàm về phát triển nhà ở xã hội sáng 1-4, ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), khẳng định việc sáp nhập các địa phương không tác động lớn đến quá trình phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông, các địa phương đã đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trước khi sáp nhập, nên việc điều chỉnh chỉ là cộng dồn và rà soát lại mức độ hợp lý. Bộ Xây dựng sẽ giữ vai trò tham mưu để điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế.

IMG_7985.jpg
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai Lê Văn Bình chia sẻ tại tọa đàm sáng 1-4

Ông cũng nhấn mạnh, nhóm đối tượng chính của nhà ở xã hội - người lao động tại các khu công nghiệp - không bị ảnh hưởng nhiều bởi thay đổi địa giới hành chính. Việc sáp nhập chủ yếu tác động đến cán bộ, công chức, nhưng nhóm này đã có chính sách riêng về nhà ở và giao đất. Hơn nữa, với hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, người lao động có thể đi làm giữa các địa phương mà không cần mua nhà hay đổi việc.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 600.000 căn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp.

Các vướng mắc chính được chỉ ra gồm: thiếu quỹ đất, thủ tục hành chính kéo dài và mức lợi nhuận bị khống chế khiến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án nhà ở xã hội.

IMG_7984.jpg
Ông Chử Văn Hải, Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội chia sẻ tại diễn đàn

Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết mục tiêu năm 2025 là hoàn thành ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội, nhưng hiện mới đạt khoảng 45%. Ông thừa nhận quy trình phức tạp, thời gian kéo dài và khó khăn trong bố trí quỹ đất là những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ.

Để tháo gỡ các rào cản này, theo ông Lê Văn Bình, cải thiện cơ chế tài chính là yếu tố then chốt để tháo gỡ những rào cản trong phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh việc vận hành hiệu quả Quỹ Nhà ở quốc gia, cần có chính sách linh hoạt hơn để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Hiện nay, mức lợi nhuận bị khống chế không quá 10% khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này, trong khi chi phí vật liệu, nhân công tăng cao và thời gian phê duyệt dự án kéo dài.

Ông cũng nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội, đồng thời đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để thu hút nhà đầu tư. Nếu không giải quyết được vấn đề quỹ đất và hạ tầng, thì dù có nguồn vốn cũng khó đẩy nhanh tiến độ dự án.

Quỹ Nhà ở quốc gia - không thể chỉ dùng để xây nhà

Một vấn đề quan trọng được ông Lê Văn Bình đề cập là sử dụng Quỹ Nhà ở quốc gia sao cho hiệu quả.

Theo ông, nếu chỉ dùng quỹ này để xây nhà ở xã hội thì sẽ không đủ nguồn lực, bởi không có quỹ nào đủ lớn để gánh toàn bộ chi phí xây dựng hàng trăm nghìn căn hộ trên cả nước.

Thay vào đó, ông đề xuất dùng quỹ để giải phóng mặt bằng, tái định cư, giúp triển khai dự án nhanh hơn; Tạo cơ chế thu hồi vốn, tương tự quỹ phát triển quỹ đất. Ví dụ, khi bỏ vốn giải phóng mặt bằng, có thể thu hồi từ đấu giá đất hoặc từ các dự án phát triển trên quỹ đất đó.

Mat bang xay dung nha o xa hoi Thuong Thanh Long Bien.jpg
Mặt bằng được chuẩn bị để xây dựng khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội)

Ngoài ra, ông Bình nhấn mạnh, cần có quy định rõ ràng trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, đảm bảo Quỹ Nhà ở quốc gia có cơ chế ứng vốn, cho vay và thu hồi vốn bài bản. Điều này giúp quỹ duy trì dòng tiền và tạo chu kỳ tái đầu tư liên tục, mở rộng quỹ đất cho nhà ở xã hội trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục