Tại hội nghị, các ý kiến nhấn mạnh tới nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát…
Đi vào các vấn đề cụ thể, PGS-TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho biết, tình trạng dân khiếu kiện và xuất hiện tham nhũng trong lĩnh vực đất đai gây nhức nhối trong nhiều năm qua. Để khắc phục điều này, PGS-TS Phạm Hữu Tiến đề nghị cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất để nhân dân giám sát; có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ đối với người dân không tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đối với những cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng các quy định trong luật; chế tài đủ mạnh đối với các vi phạm về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, hạn chế những “kẽ hở” để cho cá nhân lợi dụng, trục lợi, tham nhũng.
PGS-TS Phạm Hữu Tiến phát biểu |
Về vấn đề tranh chấp đất đai, GS-TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, cho rằng, Điều 225 dự thảo quy định thẩm quyền tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự… Thực tế cho thấy, tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp và hiện nay tòa án chưa đủ năng lực để giải quyết triệt để. Do đó, nên quy định linh hoạt để người dân có quyền lựa chọn UBND các cấp hoặc tòa án nếu không có giấy tờ nhà đất. Khi người dân nộp đơn lên UBND các cấp thì tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời hơn, bởi nguồn gốc đất, quá trình sử dụng với những biến thiên hết sức phức tạp chỉ có cơ quan hành chính mới nắm rõ…
GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, cho rằng, trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất. Do đó, trong việc thu hồi đất, đặc biệt đất nông nghiệp phải lưu ý đến quyền lợi của người dân, không để tình trạng khi đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp, thậm chí số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư.
Về định giá đất theo giá trị trường, GS-TS Lê Vân Trình cho rằng, trong dự thảo luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Luật nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Dự thảo luật cũng chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi thị trường đất ở nước ta còn chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. GS-TS Lê Vân Trình đề nghị cần làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường”, đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.