Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19. Kể từ đầu đợt dịch đến nay, TPHCM đã và đang chăm sóc y tế cho hơn 2.000 bệnh nhân, đồng thời thực hiện cách ly y tế đối với hàng chục ngàn người tiếp xúc gần (F1), khiến nhiều khu cách ly tập trung quá tải, từ đó dẫn đến nguy cơ có thể xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu đợt dịch đến ngày 29-6, tổng số trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại khu cách ly lên đến con số gần 2.000 trường hợp.
Vì vậy, việc Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TPHCM hướng dẫn về việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 được xem là chủ trương đúng, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc cách ly F1 tại nhà có rủi ro cao và ngành y tế TPHCM phải có giải pháp thực hiện cho hiệu quả nhất.
Theo các chuyên gia, mục đích chính của các hình thức cách ly là cắt đứt đường lây nhiễm của dịch bệnh từ một người sang nhiều người. Dựa trên nguyên tắc này, nhà chức trách có thể áp dụng nhiều phương pháp cách ly, phù hợp với từng thời kỳ dịch bệnh. Trong thời điểm này, việc cách ly F1 tại nhà là phù hợp. Hình thức này cũng đã được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... áp dụng nhằm giảm gánh nặng cho nguồn lực xã hội.
Theo Bộ Y tế Singapore, F1 được yêu cầu phải tự cách ly tại nhà trong vòng 21 ngày và sẽ có nhân viên y tế liên lạc ít nhất 3 lần/ngày để kiểm tra. Nếu phát hiện đối tượng không tuân thủ quy định, người vi phạm có thể bị yêu cầu đeo thẻ điện tử hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị chuyển vào cơ sở do chính phủ quản lý. Người vi phạm lệnh cách ly có thể nộp phạt tối đa 10.000SGD (hơn 171 triệu đồng) hoặc 6 tháng tù giam.
Còn tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) yêu cầu tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày đối với F1. Nếu vi phạm lệnh cách ly, mức phạt sẽ dao động tùy theo tiểu bang, nặng nhất tối đa 1 năm tù giam hoặc 10.000USD (230 triệu đồng)...
Tại cuộc họp báo ngày 28-6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, TPHCM sẽ có đánh giá phân loại F1, những trường hợp ít nguy cơ sẽ ưu tiên cho cách ly tại nhà, đồng thời kiểm tra gia đình có đủ điều kiện cách ly hay không. Đồng chí Dương Anh Đức khẳng định, việc cách ly F1 tại nhà sẽ tránh được việc tập trung đông tại các khu cách ly; đồng thời nâng cao vai trò giám sát của chính quyền địa phương và tinh thần tự giác, tự bảo vệ sức khỏe của người dân. Người được cách ly tại nhà có thể làm việc, giảm thiểu chi phí phục vụ và cơ quan quản lý cũng đỡ tốn nhân lực, chi phí quản lý, phục vụ.
Tuy nhiên, việc cách ly F1 tại nhà muốn hiệu quả rất cần một cơ chế cụ thể. Trong đó, cần phân loại F1 như thế nào, nhà được dùng làm nơi cách ly cần đáp ứng được điều kiện gì, đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát và quản lý cách ly... phải được xác định rõ. Kinh nghiệm 3 lần chống dịch thành công là điều kiện để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng điều chỉnh kịch bản cách ly đối tượng F1 từ các khu cách ly tập trung về gia đình với nguyên tắc đảm bảo cắt đứt nguy cơ lây lan dịch bệnh. Và để đảm bảo mục tiêu này cần có sự phối hợp hiệu quả chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức tuân thủ của những trường hợp F1 cách ly tại nhà.
THÀNH AN