Cần cơ chế phù hợp cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp

Giai đoạn 2019-2021, TPHCM sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần làm tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, nhiều địa phương sau sắp xếp có địa bàn rộng, dân số đông, trong khi nhân sự phải tinh giản, đã gặp áp lực lớn trong công tác quản lý, phục vụ người dân.
Cán bộ, công chức TP Thủ Đức (TPHCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ, công chức TP Thủ Đức (TPHCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc nhiều, người ít

Tại quận 5, phường 12 mới được thành lập từ việc nhập phường 12 cũ và phường 15. Chủ tịch UBND phường 12 (mới) Trần Phương Nam cho biết, sau sắp xếp, các hoạt động của phường diễn ra trơn tru, ổn định. Phường cũng linh động giải quyết hồ sơ của người dân theo địa chỉ cũ và địa chỉ mới, hỗ trợ tối đa người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đối với những giấy tờ cần xác nhận của địa phương khác mà nơi đó không nắm, hoặc còn thắc mắc trong việc ghi địa chỉ phường cũ với phường mới, cán bộ phường sẽ trực tiếp liên hệ để không phiền hà đến người dân.

Tại quận 3, có 3 phường 6, 7, 8 được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Khi sáp nhập 3 phường, tổng số nhân sự bố trí, sắp xếp là 55 người, còn lại 33 người nghỉ việc hưởng chế độ hoặc dôi dư. Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức cho biết thêm, dân số 3 phường nhập lại của phường Võ Thị Sáu hơn 36.000 người. Nơi này có đặc thù là hàng ngày, người dân các nơi đổ về các cao ốc, văn phòng, trường đại học, bệnh viện thuộc địa bàn phường để làm việc, học tập, nâng dân số ban ngày của phường lên đến 100.000 người. Điều này dẫn đến công tác quản lý, phục vụ người dân gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nhân sự y tế của phường Võ Thị Sáu hiện chỉ có 10 bác sĩ, nhân viên y tế và đang chịu gánh nặng lớn, nhất là trong đợt dịch Covid-19.

“Địa bàn rộng, dân số đông nên trong đợt dịch vừa qua, Trạm Y tế phường Võ Thị Sáu liên tục bị phản ánh vì không có người để làm”, ông Đức chia sẻ.

Đối với TP Thủ Đức (thành phố trong TPHCM, được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ quận 2, 9, Thủ Đức), cũng sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh mới; phường Thủ Thiêm và phường An Khánh cũ thành phường Thủ Thiêm mới. Sau khi sắp sếp, TP Thủ Đức có 34 phường, giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 phường. Vấn đề khó khăn lớn của TP Thủ Đức cũng là biên chế.

Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, hiện bộ máy thành phố chỉ có 585 nhân sự, theo lộ trình đến cuối năm 2022 còn lại là 459 người. Với số lượng này, không thể đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện địa bàn rộng, đông dân như hiện nay. Một vấn đề khác là tâm lý của cán bộ, công chức chưa thực sự an tâm để làm việc. Nhất là khi TP Thủ Đức làm các bước rà soát để tinh giản, luân chuyển vị trí làm việc, nhiều cán bộ trăn trở, xin nghỉ việc.

Tiết kiệm 22 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị hành chính

Giai đoạn 2019-2021, TPHCM đã sắp xếp 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp 19 phường.

Sau sắp xếp, toàn thành phố hiện có 312 phường, xã, thị trấn (giảm 10 phường).

Đến nay đã có 823 cán bộ, công chức và 215 viên chức tại TP Thủ Đức đã bố trí, sắp xếp; 195 cán bộ, công chức cấp xã và 114 người hoạt động không chuyên trách đã bố trí sắp xếp.

Hiện còn 309 cán bộ, công chức và 81 viên chức tại TP Thủ Đức dôi dư sau sắp xếp; 102 cán bộ, công chức cấp xã và 133 người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp.

Tính đến tháng 6-2021, ngân sách TPHCM tiết kiệm được hơn 22 tỷ đồng nhờ sắp xếp đơn vị hành chính.

Kiến nghị lập đơn vị hành chính mới ở xã, phường đông dân

Từ thực tế trên, UBND TP Thủ Đức đề xuất biên chế công chức, viên chức được sử dụng đến năm 2026 là 3/4 số lượng biên chế tại thời điểm sáp nhập 3 quận. Trong đó, năm 2022 là 660 biên chế (giảm 26 biên chế so với năm 2021), năm 2026 là 500 biên chế (giảm 186 biên chế so với năm 2021).

Đối với cấp phường, theo Nghị định 34, số lượng cán bộ, công chức của mỗi đơn vị không quá 23 người và số người hoạt động không chuyên trách tối đa là 14 người. Tuy vậy, theo UBND TP Thủ Đức, các phường có những đặc thù khác nhau, khối lượng công việc phải giải quyết thường xuyên ở các phường đông dân là rất lớn. Việc giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo tính chất cào bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý. Vì thế, TP Thủ Đức đề nghị điều chỉnh quy định về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã theo hướng xem xét đến quy mô dân số để bố trí biên chế phù hợp thực tiễn.

Không chỉ một số đơn vị hành chính sau sắp xếp đối diện với áp lực dân số đông, địa bàn rộng, mà trên toàn thành phố, nhiều xã, phường cũng đang đối diện với áp lực này. Theo UBND TPHCM, nhiều xã, phường có số dân vượt từ 4-12 lần so với tiêu chuẩn dân số theo quy định chung. Trong đó, 6 xã, phường có trên 100.000 dân; 21 xã, phường có từ 60.000-100.000 dân, gây quá tải, phát sinh nhiều vấn đề xã hội, khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị cho phép điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp phường, xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm và quy mô dân số đông.

Chủ trì công tác giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại thành phố thời gian qua, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ với tình trạng các phường, xã đông dân cư nhưng có biên chế như các phường, xã khác, khiến việc quản lý, điều hành gặp rất nhiều khó khăn. Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này; đồng thời, kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức, giúp thành phố này có điều kiện thực hiện các mục tiêu đặt ra.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cần Luật đô thị đặc biệt đối với TPHCM

Khi đo lường các chỉ số như năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, thì xếp hạng của TPHCM cải thiện rất chậm, dù thành phố đã phấn đấu nhiều. Một trong những nguyên nhân là bộ máy hành chính, nhân lực quá thiếu.

Hiện nay, TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Tuy nhiên, Nghị quyết 54 đã sắp hết thời gian thí điểm. TPHCM cần sớm nghiên cứu, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 thêm 2 năm, bù lại 2 năm 2020-2021 lo phòng chống dịch Covid-19; hoặc đề nghị có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Vấn đề rất quan trọng cần được nghiên cứu là cần có luật đô thị đặc biệt đối với TPHCM để giải quyết các vấn đề căn cơ mà TPHCM đang vướng. 


Thực tế cũng cho thấy, nhiều xã, phường rất đông dân sinh sống, có xã lên tới 150.000 dân, hơn dân số một huyện ở các tỉnh. Đối với những xã quá đông dân cư, TPHCM cần tính đến phương án tách đơn vị hành chính để thuận lợi cho công tác quản lý và phục vụ nhân dân.


Ông VÕ VĂN ĐỨC, Chủ tịch UBND quận 3: Mong có cơ chế riêng cho phường sáp nhập

Sau khi sáp nhập 3 phường thành phường Võ Thị Sáu, số lượng đảng viên của phường mới là trên 1.000 người, hơn 30 chi bộ đảng trực thuộc phường. Việc tinh giản biên chế cũng cần xem xét có sự khác biệt giữa những phường nhập lại với những phường khác.

Với phường Võ Thị Sáu, cần bố trí thêm 1 phó bí thư để phụ trách công tác xây dựng Đảng, 1 phó chủ tịch UBND phường để xử lý hồ sơ giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp. Phường có hơn 36.000 dân nhưng lượng hồ sơ hành chính rất nhiều, vì ban ngày có tới 100.000 người dân sinh sống, làm việc, học tập, khám chữa bệnh. Nếu không có người xử lý công việc thì rất khó cho phường, nên rất mong có cơ chế riêng cho phường sát nhập.


Ông HỒ HẢI PHONG, Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP Thủ Đức: Nhiều cán bộ xin nghỉ việc

Phường An Khánh đang thiếu nhân sự trầm trọng do nhiều cán bộ không chuyên trách cũng xin nghỉ việc. Tổng thu nhập của người hoạt động không chuyên trách chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng số lượng hồ sơ hành chính sau sáp nhập 2 phường phải giải quyết rất nhiều. Công việc nhiều, thu nhập thấp, người lại ít hơn trước nên nhiều cán bộ xin nghỉ ra ngoài làm.

Trong điều kiện hiện tại, lãnh đạo phường cũng không thuyết phục, động viên được anh em tiếp tục công việc. Cũng từ đây, phát sinh thêm vấn đề chuyển giao, tiếp cận hồ sơ công việc của người cũ và người mới, cán bộ mới phải nắm bắt lại từ đầu, dẫn đến có công việc giải quyết chậm.

Tin cùng chuyên mục