Cần cơ chế giữ chân nhân viên y tế

Ngày 22-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại UBND huyện Bình Chánh, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, 2 Trạm Y tế xã Tân Nhựt và An Phú Tây (thuộc huyện Bình Chánh).

Tại buổi giám sát, đại diện Phòng Y tế huyện Bình Chánh cho biết, rất nhiều viên chức ở Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh xin thôi việc. Từ năm 2018 đến nay đã có 68 người nghỉ việc, nguyên nhân là thu nhập và hoàn cảnh gia đình. Đa số học viên sau khi ra trường được Sở Y tế TPHCM giới thiệu đến công tác tại trung tâm y tế nhưng không nhận nhiệm sở cũng vì ngại thu nhập thấp. Ngoài ra, hiện nay nguồn thu của bệnh viện chủ yếu là từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng giá bảo hiểm y tế vẫn chưa tính đủ chi phí, hiện chỉ tính 4/7 yếu tố, chưa tính 3 yếu tố là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản, chi phí đào tạo; nghiên cứu khoa học và chi phí quản lý.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở đã thông qua việc cho phép địa phương ký hợp đồng với nhân viên y tế đã nghỉ hưu. Tính đến hiện tại, huyện Bình Chánh thu hút được 13 bác sĩ và điều dưỡng đã nghỉ hưu về cộng tác ở các cơ sở y tế trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng đã đề xuất các cấp về chính sách giữ chân nhân viên y tế làm việc tại trạm y tế bằng việc hỗ trợ thêm phụ cấp.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng huyện Bình Chánh đã nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tốt nguồn lực chống dịch và chăm lo người dân khi dịch Covid-19 xảy ra. Đồng chí đề nghị Sở Y tế TPHCM và UBND huyện Bình Chánh cần nỗ lực đề xuất, tham mưu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu nhập nhằm giữ chân và thu hút nhân viên y tế.

Tin cùng chuyên mục