Cấp thiết xây dựng cảng biển nước sâu
Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau là địa phương dẫn đầu xuất khẩu thuỷ sản (chủ yếu là tôm) của cả nước, hàng năm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật, EU… đều phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi mới xuất đi. Một doanh nghiệp chế biển thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Cà Mau chia sẻ: Các đơn hàng xuất khẩu của công ty đều giao hàng tại các cảng tại TPHCM. Hàng lấy từ kho của công ty phải mất 7-8 tiếng vận chuyển bằng đường bộ đến cảng, còn phải tốn chi phí lưu kho. Vì vậy, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của nước ta trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
ĐBSCL là vựa nông sản và thủy sản của cả nước, chi phí logistics chiếm tới 30% giá thành sản phẩm các mặt hàng nông sản, thủy sản. Nguyên nhân chính và cũng là điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hệ thống logistics chưa phát triển, thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Khoảng 90% hàng hóa của vùng được chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… để xuất khẩu. Điều này làm đội chi phí logistics, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL.
“Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu trong vùng ĐBSCL để phục vụ xuất nhập khẩu, thúc đẩy kinh tế - xã hội”, ĐB Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.
Cần cơ chế đủ hấp dẫn
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển Cảng Hòn Khoai tại đảo Hòn Khoai. Còn tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển: Chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn...
Đảo Hòn Khoai (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có độ cao 318m so với mặt nước biển và rộng khoảng 4km2, nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau cách đất liền hơn 6 hải lý, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 20 hải lý, cách TPHCM khoảng 340 km. Hiện trên đảo có 4 lực lượng đứng chân làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, gồm: Đồn Biên phòng, Hải quân, Trạm Hải đăng và Hạt Kiểm lâm.
Vùng biển này có độ sâu từ 15 – 27m, ổn định luồng lạch, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và là một trong số ít cảng nước sâu của cả nước cho phép ra vào, bốc dỡ tàu có trọng tải rất lớn (tàu 250 ngàn tấn). Cảng Hòn Khoai sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ riêng Cà Mau mà của khu vực ĐBSCL.
Theo ĐB Nguyễn Duy Thanh, ngoài yếu tố phát triển kinh tế biển thì Hòn Khoai còn có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, được ví như điểm tiền tiêu ở khu vực phía Nam để canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta. Không những thế, đảo Hòn Khoai còn được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch biển, có khả năng thu hút khách nước ngoài, cạnh tranh với các điểm du lịch khác trong khu vực. Hiện, du lịch biển là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, được ưu tiên phát triển theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Tuy nhiên, hiện nay, do chưa quy hoạch chi tiết, cùng với cơ chế chính sách ưu đãi chưa có nên dự án cảng Hòn Khoai có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD này vẫn chỉ là tiềm năng, chờ đợi.
Trước thực tế trên, ĐB Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Đồng thời xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách Trung ương cho các công trình kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như khu dịch vụ hậu cần logistics ven bờ, cầu dẫn từ bờ ra đảo, đê chắn sóng, luồng tàu, báo hiệu hàng hải… Trường hợp cần thiết, đề nghị cho phép doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng có năng lực để đầu tư cảng lưỡng dụng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng: Việc đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai vừa bảo vệ an ninh quốc phòng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi và sớm thu hút đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế để kêu gọi đầu tư. Cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo theo quy định. Đồng thời, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 7 theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt.