Cần chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn sản phẩm làm đẹp

Với quy mô thị trường ở mức tiêu thụ 6 tỷ USD/năm, tăng trưởng trung bình hàng năm trên 30% và hơn 33 triệu người tham gia, ngành sản xuất và tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là thị trường hấp dẫn, tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.


Mỹ phẩm nước ngoài bày bán tại một trung tâm thương mại. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mỹ phẩm nước ngoài bày bán tại một trung tâm thương mại. Ảnh: THÀNH TRÍ

Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường nội

Chỉ mới đầu tư vào Việt Nam chưa đầy 10 năm, hệ thống phân phối mỹ phẩm, dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp Medic Care đã khẳng định vị thế của mình tại thị trường Việt Nam với hệ thống 70 cửa hàng Medic Care trải dài khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Chia sẻ về chiến lược phát triển của mình, ông Bart Verhryen, Tổng giám đốc chuỗi cửa hàng Medic Care, cho biết trong những năm gần đây, khi mức thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện thì nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng tăng nhanh. Hầu hết trong nhu cầu lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam là sản phẩm ngoại nhập phân khúc trung, cao cấp.

Đồng quan điểm trên, đại diện đoàn doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cho biết, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, số lượng sản phẩm doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia thị trường Việt Nam đã tăng từ con số 100 lên 400 sản phẩm. Riêng trong tháng 6 này, có khoảng 110 doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội liên kết với doanh nghiệp nội để xây dựng hệ thống đại lý, phân phối sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp tại Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp châu Âu, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho biết thêm, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp do các công ty châu Âu sản xuất thường tập trung phân khúc khách hàng cao cấp. Trong 3 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp đã “ăn nên làm ra” nhờ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Nhiều công ty châu Âu đang chọn Việt Nam làm điểm đến tiềm năng và hấp dẫn từ nay đến năm 2025, bởi rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả chi phí cao để mua những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm của các hãng đến từ châu Âu. Hơn nữa, doanh nghiệp châu Âu vốn rất có lợi thế sản xuất mỹ phẩm dưỡng da, nước hoa organic - xu hướng tiêu dùng mới hiện nay.

Phân tích yếu tố thị trường tiêu thụ mỹ phẩm nội địa Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, đây là thị trường lớn và không quá khó tính. Người tiêu dùng lại có tâm lý thích mỹ phẩm ngoại nhập nên sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ngoại dễ dàng thâm nhập sâu vào thị trường nội địa. Hiện trung bình mỗi năm, người Việt Nam tiêu dùng khoảng 6 tỷ USD cho mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp với 33 triệu người tham gia. Bình quân, mỗi người dân dưới 35 tuổi tiêu dùng trên 300.000 đồng/năm và từ 35 tuổi trở lên là 600.000 đồng/năm cho mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của người dân Việt Nam đối với ngành mỹ phẩm sẽ đạt mức trên 30%.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Mỹ phẩm tinh dầu và hương liệu Việt Nam, cho rằng trên đây chỉ là những con số thống kê chính thức. Quy mô thị trường mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp còn hơn rất nhiều bởi vẫn còn lượng lớn hàng mỹ phẩm xách tay hoặc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch chưa được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, trái với xu hướng ồ ạt đầu tư dấn sâu vào thị trường Việt của doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội dường như đang bị đuối sức và mất dần vị trí ngay chính thị trường trong nước. Hiện các doanh nghiệp nội chỉ chiếm 5% thị trường mỹ phẩm và sản phẩm làm đẹp trong nước, tập trung phân khúc cấp thấp. Số ít dừng lại ở mức thu gom và cung ứng nguyên liệu thô cho các tập đoàn sản xuất nước ngoài. Ông Bart Verhryen nhấn mạnh thêm, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nào của Việt Nam tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng của công ty. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, rất nhỏ. Lãnh đạo các doanh nghiệp không sẵn sàng chuyển đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng tiêu chí mới trong lĩnh vực mỹ phẩm hiện nay.

Để có thể cải thiện năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, theo ông Nguyễn Văn Minh, cần thiết phải có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thiết lập một trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới, chiết xuất tinh chất, hương liệu. Song song đó, thành lập trung tâm kiểm nghiệm có đủ năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Bộ tiêu chuẩn mỹ phẩm và sản phẩm làm đẹp cũng cần phải chuẩn hóa để làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng như rào cản để hạn chế sản phẩm kém chất lượng ngoại nhập tràn lan vào thị trường nước ta. Về khâu tiêu dùng trên thị trường, đã đến lúc cần phải nhìn nhận thực tế thị trường phân phối mỹ phẩm hiện có nhiều bất cập. Tình trạng hàng gian, hàng giả khá phổ biến thông qua hệ thống thương mại điện tử và chợ truyền thống.

Trên thực tế, tình trạng này đang mang lại những hệ quả nặng nề cho người tiêu dùng. Dễ thấy nhất là tình trạng hư da khi sử dụng, nặng hơn là nguy cơ ung thư do sử dụng sản phẩm có hóa chất độc hại. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả.

Điều này không những góp phần bảo vệ người tiêu dùng mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp sản xuất chân chính tồn tại và phát triển. Riêng về phía doanh nghiệp cần sử dụng tem chống giả, có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận diện sản phẩm của mình. Từ đó, xây dựng thói quen tiêu dùng an toàn, hiệu quả. Về lâu dài, doanh nghiệp cần thiết phải tham khảo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm trên thế giới, làm cơ sở để chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, định hình dòng sản phẩm đạt tầm chất lượng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục