Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm 16,8%, cao hơn nhiều so với thế giới là 10,8%. Hạ tầng thiếu đồng bộ làm chi phí logistics tăng. Trong thời gian tới, cần hiện đại hóa quản trị logistics. Trong đó, chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics. Hợp lý hóa, đồng bộ quy trình, chuỗi cung ứng logistics.
TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho hay, để phát triển ngành dịch vụ phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, nếu Nhà nước không đầu tư hạ tầng thì doanh nghiệp không dám đầu tư vì rủi ro là rất lớn. Nhìn từ Đà Nẵng, thành phố đã đầu tư hạ tầng cho công viên phần mềm số 1, qua hơn 10 năm đã thành công. Nay, Đà Nẵng đang tiếp tục đầu tư khu công viên phần mềm số 2. Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết, vướng mắc đầu tư hạ tầng hiện nay đó là Luật Đầu tư công không cho phép đầu tư ngân sách công vào các khu cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi, hải đảo.
Đối với các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng nhìn nhận, khuôn khổ pháp luật, thể chế, CPTPP nói riêng, các FTA thế hệ mới nói chung đều đòi hỏi một môi trường kinh doanh minh bạch và có tính cạnh tranh cao ở các quốc gia thành viên. Các thủ tục hành chính, số lượng giấy phép hoặc điều kiện kinh doanh phải được giản hóa đáng kể, đặc biệt yếu tố con người trong thay đổi, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thực sự, không chỉ dừng lại ở hình thức cắt giảm thủ tục đơn thuần. Trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, những năm gần đây chỉ có Đà Nẵng và Quảng Nam được doanh nghiệp địa phương đánh giá khá khả quan với kết quả PCI 2019 lần lượt được xếp hạng 5 và 6 trên 63 tỉnh thành.
Kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nhìn nhận, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.
Thực tế chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành dịch vụ có nhiều vấn đề lớn đặt ra như nhập siêu trong cán cân thương mại dịch vụ, hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp nhu cầu phát triển.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, nền kinh tế Việt Nam khá năng động, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 60 đối tác lớn; thị trường nội địa gần 100 triệu dân; người dân có tinh thần vượt khó, sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh. Thời gian tới, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistics…