Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Tây, mô hình thực nghiệm trồng mắc ca được triển khai từ năm 2014, sau 7 năm thực hiện và 2 năm bàn giao cho các hộ dân tiếp tục chăm sóc, thu hoạch đến nay cho thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình không như mong đợi và trong 4 giống mắc ca trồng thực nghiệm chỉ có giống OC là phù hợp.
Kết quả nghiên cứu từ các mô hình thực nghiệm trồng mắc ca ở huyện Sơn Tây gồm các giống OC, 816, 246, 849 tại 3 xã Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Long với diện tích 6ha, 6 hộ tham gia, bình quân khoảng 312 cây/ha.
Cây mắc ca từng được ví như "cây tỷ đô" nhưng hiệu quả kinh tế sau mô hình thực nghiệm tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, không được như mong đợi. |
Đối với vườn mắc ca tại xã Sơn Bua thì cây sinh trưởng phát triển chậm, năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 1,9kg/cây đối với cây 9 tuổi. Nguyên nhân do tầng đất canh tác mỏng, địa hình có độ dốc lớn, đất thịt pha cát có khả năng giữ nước thấp, về mùa khô đất thường bị hốc, độ ẩm thấp, độ ẩm không khí tại thời điểm ra hoa cao. Hiện nay, các hộ dân tại xã Sơn Bua đã chuyển đổi qua cây trồng khác vì số cây còn sống ít và năng suất thấp, mô hình không đạt hiệu quả.
Đối với mô hình mắc ca tại xã Sơn Liên do ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2020 đã làm gãy đổ, do đó cũng ảnh hưởng đến năng suất, số lượng của mô hình.
Trong 4 loại giống mắc ca được trồng thì dòng OC và 816 có tỷ lệ ra hoa đậu quả cao hơn. Có thể thấy, trong điều kiện tự nhiên của huyện, cây mắc ca sinh trưởng tốt, với chiều cao trung bình năm thứ 9 sau trồng dao động từ 4m-4,5m và đường kính tán từ 3,5-4,8m, năng suất bình quân khi cây trồng đạt 9 tuổi dao động khoảng 1,9-3,5kg mỗi cây (giống OC).
Đối với 2 vườn trồng thực nghiệm tại xã Sơn Long và xã Sơn Liên có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng và gần với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca nên sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt khá 3,2-3,5kg/cây (cây 9 tuổi, giống OC).
Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Tây, hiệu quả kinh tế của mô hình không như mong đợi vì 1ha chỉ có khoảng 70-80 cây giống OC, còn lại là các giống khác và một phần bị bão làm gãy đổ. Cụ thể, với năng suất bình quân 3,5kg/cây (cây 9 tuổi, giống OC) trên vùng trồng xã Sơn Long và Sơn Liên tương ứng với 280kg/năm/ha (80 cây/ha với giống OC), giá bán bình quân hiện nay là 80.000 đồng/kg, tổng doanh thu mỗi chỉ đạt khoảng 22,4 triệu đồng/ha thì vừa đủ chi phí và chăm sóc.
Do vậy, việc chọn giống mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng được huyện Sơn Tây quan tâm, trong đó có sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Sau 9 năm trồng thực nghiệm cho thấy giống OC có thể trở thành giống chủ lực, năng suất đánh giá tương đương các vùng trồng mắc ca tại Việt Nam. Từ đó, khuyến cáo người dân nhân rộng mô hình với giống OC là chủ lực và thổ nhưỡng phù hợp.
Cuối năm 2017, hộ ông Nguyễn Lên (xã Sơn Liên) trồng 6ha mắc ca, đến nay sau 5 năm, vườn mắc ca của ông Lên sinh trưởng tốt hơn so với các vườn thực nghiệm khi cùng tuổi, độ đồng đều cao, hiện đã cho ra trái bói.
Trong năm 2022, hộ ông Nguyễn Ngọc Thành (xã Sơn Dung) tự bỏ vốn mua 880 cây mắc ca, giống OC, trồng trên diện tích khoảng 5ha và ông Đinh Văn Tơn mua 120 cây mắc ca cũng giống OC về trồng. Hiện nay, vườn mắc ca của 2 hộ dân này sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 90%.
Việc chọn loại cây trồng, giống cây phù hợp, thích nghi, năng suất tốt để thay thế các loại cây trồng khác kém hiệu quả, giúp người dân ổn định, xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy để trồng, bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… cho 1ha mắc ca bình quân cần khoảng 4 lao động/ha/năm, như vậy giải quyết việc làm ổn định cho lao động.
Cây mắc ca là cây đa mục đích, do vậy, phát triển cây mắc ca sẽ góp phần thay thế cây keo, sắn, phát huy vai trò chống xói mòn, bảo vệ đất, tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái…