Ngày 15-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi).
Góp ý tại hội thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án TAND TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP cho biết, tại Điểm d khoản 2 Điều 3 Dự thảo mới chỉ dừng lại ở mức độ “Phát hiện, kiến nghị” về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật.
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, để tòa án thực sự thực hiện quyền tư pháp có hiệu quả thì đề nghị sửa là “xem xét” tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật.
Bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, thực tế xét xử, nhiều văn bản dưới luật mà các ngành ban hành trái quy định pháp luật gây ảnh hưởng rất nhiều tới quyền lợi người dân. Ví dụ có trường hợp người dân ủy quyền quản lý tài sản cho người khác thì cơ quan thuế thu 1 lần thuế, sau đó người ủy quyền bán cho người khác lại thu 1 lần thuế nữa, thế là trái luật dân sự…
Hiện nay, quy trình rà soát, kiểm tra văn bản được thực hiện tương đối khép kín trong nội bộ cơ quan hành pháp mà chưa có sự kiểm soát từ các cơ quan tư pháp. Do đó, bà Ung Thị Xuân Hương đề xuất bổ sung việc tòa án có thẩm quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH theo quy định của luật.
Cũng đồng tình với ý kiến này, Luật sư Phạm Công Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) dẫn chứng, tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2016 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Như vậy, nếu không được bổ sung quyền hủy bỏ văn bản trái pháp luật thì tòa án hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2016 để giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án được nhanh chóng, đúng thời hạn luật định.
Dự kiến Dự án Luật tổ chức TAND sửa đổi và 8 dự án luật khác sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5-2024).