Cần chính sách ưu tiên mạnh hơn cho sinh viên sư phạm

Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự án luật được quan tâm đặc biệt, nên ngay từ đầu đã có tới 38 đại biểu (ĐB) đăng ký phát biểu.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại hội trường Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại hội trường Ảnh: VIẾT CHUNG

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa (SGK) như trong dự thảo luật. Chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; SGK là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Luật cũng quy định quy trình chọn SGK tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình một chương trình nhiều SGK nhưng phải bảo đảm tính ổn định của SGK, không phải thay đổi hàng năm, rất lãng phí. Ngoài ra, SGK giảng dạy phải được công bố có thời hạn rõ ràng trước khi năm học mới khải giảng để học sinh chủ động tìm sách để học, tránh gây khó cho học sinh. Việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia về SGK nên có sự cân nhắc, có thể giao cho Chính phủ thành lập để đa dạng thành phần hơn.

Tiến đến không còn thi THPT quốc gia
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu cho biết, một số ý kiến ĐB đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, hiện nay việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài. Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định mà luật đã định.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thi THPT quốc gia hiện nay tốn kém, căng thẳng mà tỷ lệ đỗ gần 100%, thi “2 trong 1” nên tiêu cực, gian lận. ĐB đề nghị tính toán để tiến dần đến việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, chỉ xét tuyển và cấp bằng THPT, còn giao tuyển sinh, xét tuyển cho các trường tự chủ. Theo giải trình của ông Phan Thanh Bình, thi THPT sẽ không phải là THPT quốc gia, chỉ là thi THPT và bây giờ đang tiến dần đến không còn thi quốc gia nữa.

Đề nghị cơ chế mới cho ngành sư phạm

Về chính sách dành cho sinh viên sư phạm, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho Nhà nước.

Liên quan đến nội dung này, khi thảo luận, nhiều ĐB đặt vấn đề là làm sao để hút được người giỏi vào ngành sư phạm. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, chính sách ưu tiên đối với sinh viên học đại học sư phạm giống như trường đại học công an, quân đội với điều kiện điểm đầu vào phải rất cao so với các ngành khác. “Chứ không phải như hiện nay, điểm chuẩn vào sư phạm chỉ ngang các ngành khác mà được hỗ trợ tín dụng sư phạm. Như vậy là không hợp lý. Tuyển sinh điểm rất thấp trong ngành sư phạm sẽ ít có sinh viên giỏi, đạo đức chưa chuẩn mực. Thầy giỏi mới có trò giỏi, ra trường được tuyển thẳng vào ngành, không cần xét tuyển. Nếu tốt nghiệp xuất sắc, giỏi sẽ được hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với các trường hợp khác”, ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất và cho rằng, làm như vậy mới có học sinh giỏi vào ngành sư phạm, sinh viên an tâm khi học ra trường có việc làm ổn định, lương đảm bảo cuộc sống tối thiểu. “Nếu làm được thế thì học sinh giỏi tranh nhau vào ngành giống như vào các trường đại học y, dược, công an, quân sự”, ĐB Phạm Văn Hòa nói thêm. Cũng theo ĐB Hòa, thời gian qua, đầu vào sư phạm quá dễ dàng nên đã xảy ra việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều nơi.

Đồng quan điểm, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, để hút người giỏi vào ngành sư phạm thì cần có chế độ thỏa đáng hơn đối với nghề giáo. “Đề nghị xét tuyển sinh viên sư phạm như công an, quân đội: có sơ tuyển, điểm xét tuyển cao, có bố trí việc làm, ra trường có lương cao để sống tốt với nghề, như thế mới hút được người giỏi vào sư phạm. Chính sách miễn giảm học phí hay cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm hiện nay không hấp dẫn được sinh viên giỏi”, ĐB Triệu Thanh Dung nói. ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, để thu hút được học sinh, sinh viên giỏi có phẩm chất đạo đức tốt vào ngành sư phạm góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo có đức, có tài thì các quy định về chính sách đối với nhà giáo tại dự thảo chưa đủ mạnh. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung chính sách có liên quan đối với nhà giáo, ví dụ con em nhà giáo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, con em nhà giáo được miễn học phí các cấp học… 

Tin cùng chuyên mục